Bài học từ cuộc cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên ý nghĩa
VOV.VN - Nhận định, nắm bắt và tận dụng thời cơ là bài học vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay.
Trong tất cả các cuộc cách mạng, đặc biệt là cách mạng giải phóng dân tộc, vấn đề xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ là những vấn đề hết sức quan trọng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám 1945 là một minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Bác Hồ và Đảng ta.
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh Tư liệu |
PGS.TS Phạm Xanh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Thời cơ trong cách mạng tháng Tám đó chính là phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Đó chính là thời cơ có tác động đến toàn bộ cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương. Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương tận dụng được thời cơ đó và biến thời cơ đó thành điều kiện để cho cuộc cách mạng tháng Tám thắng lợi. Người theo dõi, bám sát và lợi dụng thời cơ đó chính là Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đối với cuộc cách mạng tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng khoảng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 13/8/1945 và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta ngày 5/9/1945. Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 13/8 và sau ngày 5/9 đều không có khả năng thành công, bởi trước ngày 13/8, quân Nhật còn mạnh, nhân dân ta sẽ tổn hại nhiều xương máu, còn sau ngày 5/9, trên đất nước có nhiều kẻ thù. Cuộc cách mạng Việt Nam sẽ mất đi thế chủ động và sẽ gặp nhiều khó khăn khác. Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước đã nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, các địa phương trên cả nước đã giành thắng lợi.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Từ cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, chúng ta thấy chỉ trong vòng 1 tuần là Huế, Sài Gòn và cả nước đã giành được chính quyền. Thể hiện được ý chí thống nhất, lực lượng đã sẵn sàng, sự lãnh đạo nhanh, nhạy trên cả quốc gia dài, trong điều kiện giao thông, thông tin liên lạc hết sức khó khăn nhưng đã đồng khởi. Thể hiện được ý chí của người dân và sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh”.
Phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám, Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục công cuộc đổi mới và giành được những thành công đáng tự hào. Thành công đó là kết quả của sự sáng tạo của Đảng và nhân dân Việt Nam, là sự kế thừa những bài học kinh nghiệm của lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước 70 năm qua kể từ ngày cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, trước sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới cũng như sự khủng hoảng kinh tế xã hội trong nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật và quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Học viện Khoa học xã hội, thành quả hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới chứng tỏ đường lối sáng tạo và đúng đắn của Đảng và nhân dân Việt Nam.
“Hiện nay chúng ta đang trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng nên chúng ta phải chuẩn bị mọi điều kiện. Chuẩn bị tốt thì chúng ta có lợi trong hội nhập. Đó là kinh nghiệm cách mạng Tháng Tám đã đưa ra cho chúng ta. Thứ hai là tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng phải giữ vững độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam phải kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ cao nhất nguồn lực bên ngoài góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”.
Cách mạng Tháng Tám 1945 - dấu mốc son của dân tộc, sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam vẫn còn nguyên ý nghĩa. Trong đó, việc nhận định, nắm bắt và tận dụng thời cơ là bài học vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay./.