Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương làm việc tại Quảng Ngãi
Kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách và triển khai Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực theo tinh thần Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 và kết luận số 79 ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị
Ngày 20/3, ông Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dẫn đầu Đoàn công tác của Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đã làm việc với tỉnh Quảng Ngãi để kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách và triển khai Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực theo tinh thần Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 và kết luận số 79 ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị.
Làm việc với Đoàn công tác có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cùng các đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành liên quan.
Đối với việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm, Viện kiểm sát khu vực, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề xuất 2 phương án. Thứ nhất là thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm, Viện kiểm sát ở 8 khu vực và phương án hai là 11 khu vực. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị, đề xuất Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương sớm ban hành các tiêu chí về xây dựng Tòa án nhân dân sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân khu vực để các địa phương nghiên cứu xây dựng đề án. Chính sách đãi ngộ cho các viên chức ngành tư pháp còn thấp nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ….
Thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, những năm qua, ngành Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt nghiêm túc trong cán bộ tư pháp nhận thức sâu sắc về Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Công tác kiểm sát hoạt động Tư pháp, công tố của ngành kiểm sát và công tác xét xử của ngành tòa án đã từng bước được nâng cao, các vụ án hình sự, dân sự, hành chính luôn được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
Trong các phiên xét xử, chất lượng tranh tụng được đặt lên hàng đầu, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng Công an - Kiểm sát - Tòa án đã góp phần truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức đựơc củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng nhất là cán bộ có chức danh tư pháp. Công tác thi hành án và công tác bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự, toàn ngành đã thụ lý trên 10.000 vụ việc, thi hành xong gần 6.200 vụ, đạt 89%. Vai trò của luật sư được nhìn nhận tích cực hơn, trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan tư pháp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp…/.