Bàn tròn trực tuyến: 78 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam

Tham gia cuộc toạ đàm có các vị khách mời: Ông Nguyễn Túc - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Lê Bá Trình - Uỷ viên Thường trực kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn - Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.

Trong không khí tưng bừng của cả nước kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nay là MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2008), nhiều khu dân cư đã và đang tổ chức ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở xã, phường, thị trấn đã thành công tốt đẹp; nhiều địa phương đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện và tỉnh để tiến tới Đại hội toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VII sẽ được tổ chức vào cuối quý III/2009.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, công cuộc đổi mới ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng rộng mở, với nhiều cơ hội và thách thức mới.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh có ý nghĩa rất quan trọng, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để giúp thính giả, độc giả trong và ngoài nước của Đài Tiếng nói Việt Nam hiểu thêm về truyền thống, lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam 78 năm qua và vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; đồng thời cung cấp thêm kinh nghiệm để việc tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, với mục đích đó, Báo Điện tử VOVNews (Đài TNVN) phối hợp với Ban Tuyên huấn, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức chương trình Bàn tròn trực tuyến xung quanh những nội dung kể trên, coi đó là những đóng góp nhỏ bé của mình nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tham gia cuộc toạ đàm diễn ra chiều 17/11/2008 tại trụ sở báo VOVNEWS (45 Bà Triệu-Hà Nội) có các vị khách mời đến từ Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

- Ông Nguyễn Túc - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

- Ông Lê Bá Trình - Uỷ viên Thường trực kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn - Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

- Ông Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.

Sau đây là nội dung cuộc toạ đàm:

- Thưa ông Nguyễn Túc, trong không khí tưng bừng của cả nước kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2008), xin ông cho biết truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trong 78 năm qua?

Ông Nguyễn Túc: Trước hết, tôi xin cảm ơn Báo Điện tử VOVNews đã tổ chức cuộc toạ đàm này.

Phải nói rằng, nói đến đại đoàn kết dân tộc là nói đến truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nghiên cứu lịch sử của dân tộc ta, nhiều nhà sử học trong nước và thế giới đã có một nhận định: Việt Nam là một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển nhưng phải thường xuyên chống giặc ngoại xâm mạnh hơn mình. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, bao giờ thắng lợi cũng thuộc về ta. Yếu tố quan trọng giúp cho dân tộc ta giành thắng lợi là do dân tộc ta sớm có ý thức đoàn kết. Nước ta đã trải qua các cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông cho đến cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đặc biệt là kết thúc bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975… Phần lớn các cuộc chiến tranh đó được ví như “châu chấu đá voi”, nhưng nhân dân ta đều giành thắng lợi.

Khi nghiên cứu lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, Bác Hồ đã tổng kết rằng: Khi nào dân ta đoàn kết thì nước ta độc lập, khi nào dân ta chia rẽ thì nước ta bị nước ngoài đô hộ. Chính từ tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và ngày 18/11/1930, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam ra đời.

Tuy tên gọi khác nhau, vì yêu cầu và nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả các hình thức, từ Hội phản đế Đồng minh (năm 1930), sau đó đến Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương (1939), Mặt trận Việt Minh (1941), Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên Việt (1951), Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình Việt Nam (1968) và Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đều nhằm một mục là đích huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc ta để giành chiến thắng trọn vẹn. Đây là những điều mà người làm công tác Mặt trận hết sức tâm đắc, giống như Bác Hồ hay nhắc lại hai câu thơ của nhà thơ Thanh Tịnh mà Người tâm đắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

- Xin ông cho biết những đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước?

Ông Nguyễn Túc: Phải nói rằng trong những năm qua, với sự phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới của nước ta đã giành được thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trong thắng lợi to lớn có ý nghĩa lích sử đó có sự đóng góp không nhỏ của MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Chúng ta đều biết rằng, từ một nước bị bao vây cấm vận, nhưng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, biết khơi nguồn, tổng hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chúng ta tiến hành công cuộc Đổi Mới như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói là xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà Đảng ta tập hợp lại và đề ra sáng kiến đổi mới, hiện thực hoá thành đường lối chính sách và đã có những thắng lợi rất vĩ đại.

Ai cũng biết rằng, Việt Nam từ một nước nông nghiệp, cơm chưa đủ ăn, áo không đủ mặc, đã huy động được sức mạnh của nhân dân để rồi hôm nay chúng ta thành một nước nông nghiệp xuất khẩu vào hàng đầu, kinh tế-xã hội đất nước đã phát triển nhanh, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Trong sự phát triển đi lên của đất nước, có sự đóng góp của vai trò Mặt trận Tổ quốc. Tôi thấm thía câu nói của Bác Hồ: Trong các cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, vai trò của Mặt trận Tổ quốc rất quan trọng. Đến cách mạng XHCN, Mặt trận lại càng quan trọng hơn nữa.

- Thưa ông Lê Bá Trình, được biết MTTQ Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 7. Xin ông cho biết, đến nay công tác chuẩn bị của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập trung vào những vấn đề gì?

Ông Lê Bá Trình: Để chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội lần thứ 7 MTTQ Việt Nam, Hội nghị lần thứ 5 của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra nghị quyết để thực hiện tốt công tác này.

Ngày 22/11/2007, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 18 về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam tiến tới Đại hội lần thứ 7 của Mặt trận. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, Ban thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam đã tổ chức các Hội nghị tập huấn cho các cán bộ chủ chốt của Mặt trận, quán triệt đến từng cơ sở. Cùng với các đợt tập huấn, chúng tôi còn ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác chuẩn bị xây dựng báo cáo đánh giá hoạt động của cấp mình trong thời gian vừa qua về công tác xây dựng Uỷ ban Mặt trận và Ban thường trực khoá mới, cũng như việc tuyên truyền về Đại hội sắp tới.

- Xin được hỏi ông Lê Bá Trình, trong thời gian vừa qua, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quán triệt như thế nào về Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 7 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?

Ông Lê Bá Trình: Ngày 22/11/2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18 Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 7 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước diễn ra trong bối cảnh nước ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế. Thời cơ nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Vì thế, vai trò của khối Đại đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Lê Bá Trình - Uỷ viên Thường trực kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn - Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Chỉ thị số 18 cũng nêu rõ những vấn đề cần phải chú trọng quan tâm như: Mở các đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khối Đại đoàn kết các dân tộc trong thời kỳ mới; Tiếp tục tăng cường, củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân; Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn tầng lớp nhân dân; Đánh giá các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ cũ và ban hành chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ mới; Chú trọng biểu dương những nhân tố mới; Phát hiện những vấn đề đặt ra trong thời kỳ mới; Xây dựng, bình chọn nhân sự cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phải có đủ năng lực, trình độ, đạo đức tốt…

- Thưa ông, để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền theo luật định, MTTQ Việt Nam cần phải làm những gì?

Ông Lê Bá Trình: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ cùng với các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền của dân, do dân và vì dân. Muốn thực hiện tốt được điều này thì Mặt trận phải nắm bắt, tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của tầng lớp nhân dân. 

Từ nay đến cuối năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang nhanh chóng hoàn tất việc lấy ý kiến tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và trưởng thôn. Việc làm này phải đảm bảo các cán bộ phải có đủ năng lực, trình độ điều hành, quản lý để đem lại quyền lợi cho nhân dân. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tham gia giám sát hoạt động của các cán bộ, đảng viên ở khu dân cư để cán bộ có thể phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực của mình trong việc phục vụ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

- Thưa ông Phạm Xuân Hằng, Đại hội Mặt trận cấp xã, phường, thị trấn đã tổ chức thành công theo đúng yêu cầu mục đích đề ra. Xin ông cho biết một số kinh nghiệm trong tổ chức Đại hội Mặt cấp xã, phường, thị trấn?

Ông Phạm Xuân Hằng: Nói về kinh nghiệm nghĩa là nói đến quy trình tổ chức. Trước hết, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã xây dựng cho mình kế hoạch, lộ trình tổ chức Đại hội các cấp. Thứ hai, là phải xây dựng những văn bản hướng dẫn từng nội dung cụ thể. Ví dụ ở nội dung hướng dẫn về hoàn thiện (hay báo cáo chính trị trước Đại hội) phải xây dựng như thế nào để đánh giá được phương hướng nhiệm vụ, xây dựng chương trình hành động, nhiệm kỳ trước, để tổng hợp được những hạn chế và những mặt đã làm được để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. Còn phương hướng nhiệm vụ và chương trình hành động nhiệm kỳ tới thì nêu những vấn đề mà chính địa phương đang quan tâm, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của địa phương.

Chúng tôi cũng đã hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu của từng cấp. Có những chỉ tiêu là phối hợp thực hiện với lãnh đạo cấp uỷ của địa phương đó, có những chỉ tiêu do hệ thống Mặt trận đặt ra. Tài liệu hướng dẫn về làm đề án nhân sự như thế nào cũng phải có hướng dẫn cụ thể, sau đó tổ chức tập huấn cấp quận, huyện. Từ đó cấp quận, huyện xây dựng từng kế hoạch cụ thể cho quận huyện mình. Và trước khi triển khai thì triển khai đại hội điểm của tất cả các xã, phường, thị trấn để họ phát biểu tham gia rút kinh nghiệm, sau đó mới tổ chức đại trà.

Kinh nghiệm nữa là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, ở nơi nào cấp uỷ quan tâm, thì ở đó chất lượng đại hội tốt. Quan tâm ở đây không chỉ về vật chất, mà còn quan tâm giúp cho việc chỉ đạo để giúp đảm bảo tính tư tưởng và chất lượng của Đại hội.

- Thưa ông, nhiều người dân cũng rất quan tâm đến thành phần đại biểu là người ngoài Đảng. Vậy MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới cấp xã, phường ở Hà Nội có đảm bảo tỷ lệ khoảng 30% người ngoài Đảng tham gia?

Ông Phạm Xuân Hằng: Có thể nói việc này có những cái khó khăn và thuận lợi riêng tuỳ thuộc vào từng phường, từng thị trấn, từng xã riêng. Có nơi thì việc đảm bảo không có gì khó khăn, nhưng có nơi phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Cho đến nay, thêm 577 Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn của Hà Nội mới, thì tỷ lệ đó đều đạt, có nơi lên tới 38% là những uỷ viên Ủy ban Mặt trận là người ngoài Đảng.

Phải nói rằng, cuộc vận động này cũng rất dễ, có những nơi không có gì khó khăn, họ rất háo hức và tâm huyết để tham gia đóng góp công sức của mình và việc cụ thể là tham gia uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc của xã phường, thị trấn.

Khi duyệt Đại hội quận, huyện, chúng tôi yêu cầu trong đề án nhân sự phải đảm bảo yếu tố này. Những quận, huyện đã tổ chức Đại hội rồi đều đã đạt, (có nơi thì 31-32%). Điều này thể hiện sự gặp gỡ rộng rãi các tầng lớp nhân dân chứ không chỉ là cán bộ, đảng viên.

Ngay từ đầu sau khi thành lập, Đảng ta nhận định là giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền, tức là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ mà không tập hợp được đông đảo quần chúng lại thành một lực lượng tiếp theo lớn mạnh, thì cách mạng không thành công. Trên tinh thần ấy, cuối năm 1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra những chỉ thị thành lập Hội đồng Đông Dương phản đế. Và từ đó xuất hiện nhiều tổ chức mặt trận, sau này là MTTQ.  Việc tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chính là quy tụ sức mạnh của toàn dân, mà rộng ra đó là toàn dân tộc. Cho nên, chủ trương của Trung ương Ủy ban MTTQ Việt Nam nâng cao tỷ lệ Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận là những người ngoài Đảng cũng xuất phát từ mục đích đó.

Hiện nay đến cấp quận, huyện, chúng tôi chỉ đạo thêm và đều đạt được, tiến tới là cấp thành phố. Chúng tôi cũng sẽ vận động những cá nhân tiêu biểu, những người ngoài Đảng, đại diện các tôn giáo tham gia vào Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc.

- Thưa ông, trong thời gian qua, người dân Thủ đô đã tham gia như thế nào vào các hoạt động của Mặt trận, trong đó có các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động?

Ông Phạm Xuân Hằng: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên phối hợp với mỗi một tổ chức, thành viên để làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân về các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động. Năm 2008, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Cuộc vận động Vì người nghèo”. Những cuộc vận động này đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Trên địa bàn thủ đô Hà Nội (mở rộng), các phong trào đã được nhân dân quán triệt và hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều hoạt động ủng hộ địa phương, người dân bị ảnh hưởng của các trận lũ lụt, vì người nghèo, hầu hết các phường, xã, người dân đều hưởng ứng đóng góp. Ngoài ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng của lũ lụt, người dân Thủ đô còn rất nhiệt tình khi ủng hộ nhân dân Cuba bị ảnh hưởng của mưa bão.

Hàng năm, Ban Vận động “Vì người nghèo” của thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động phát động “Tháng cao điểm gây Quỹ Vì người nghèo”. Các doanh nghiệp đã tham gia rất nhiệt tình và ủng hộ Quỹ với số tiền lên tới 15 tỷ đồng. Đặc biệt, có 1 doanh nghiệp ủng hộ hơn 8 tỷ đồng. Số tiền sẽ được phân bổ tới tận tay những gia đình nghèo.

Trong trận mưa lụt vừa qua tại Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động phong trào ủng hộ người dân bị lũ lụt. Hầu hết tất cả các tầng lớp nhân dân đều tham gia ủng hộ nhiệt tình với số tiền ủng hộ trên 10 tỷ đồng. Sau khi vận động quyên góp ủng hộ, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xem xét địa bàn nào, người dân nào cần được trợ giúp và sẽ công khai số tiền tới các địa bàn, người dân cần được trợ giúp.

- Thưa ông Nguyễn Túc, đại đoàn kết toàn dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận. Theo ông, cần phải làm gì để tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay?

Ông Nguyễn Túc: Nhân dân, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

Vấn đề đa dạng hoá các hình thức tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã được đặt ra tại Đại hội 4 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 và được mở rộng năm 2004 tại Đại hội 6. Vì sao? Chiến tranh thì có quy luật chiến tranh, hoà bình có quy luật hoà bình.

Quy luật chiến tranh là “cái tôi” phục tùng “cái ta”, tất cả cho tiền tuyến, tất cả chiến thắng. Cuộc sống lúc đó phải chắt chiu, chịu đựng để tất cả dành cho tiền tuyến, thành ra sinh hoạt mọi thứ đơn giản. Cùng với đó, điều kiện vật chất không cho phép chúng ta có những suy nghĩ khác nhau.

Từ Đại hội VI của Đảng, chủ trương đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, mà biểu hiện là đổi mới tư duy về kinh tế, nước ta chấp nhận phát triển kinh tế nhiều thành phần, tức là chấp nhận thu nhập khác nhau, dẫn đến mức sống khác nhau, lối sống không giống nhau và suy nghĩ khác nhau. Đấy là điểm mấu chốt đặt ra cho Mặt trận. Điều đó có nghĩa, không thể tập hợp được quần chúng bằng các hình thức đã dùng trong thời cách mạng dân tộc dân chủ cũng như thời bao cấp. Do đó, muốn tập hợp được quần chúng phải có hình thức đa tập hợp đa dạng.

Trước đây, MTTQ Việt Nam chỉ có 23 tổ chức thành viên, nhưng đến nay con số này đã là 44. Trước đây, 23 tổ chức thành viên bao gồm các hội nhỏ không quá 100, nhưng đến nay, nhiều hội nhỏ là 540 các hội nhỏ trong các hội lớn. Ví dụ như: Hội Liên hiệp KHKT, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Tổng hội Y dược học Việt Nam… Nhu cầu của nhân dân do cuộc sống đặt ra yêu cầu Mặt trận phải đa dạng hoá hình thức tập hợp.  

Muốn thực hiện sự đồng thuận xã hội ngày càng cao hơn thì phải tập hợp. Muốn tập hợp phải có hình thức phù hợp với thị hiếu, sở thích của nhiều tầng lớp nhân dân. Và trong mỗi tầng lớp lại có những hình thức tập hợp khác nhau để họ thấy được việc vào tổ chức đó là đạt được một trong những yêu cầu để họ phát triển.

Từ Đại hội 4 đến Đại hội 6 của MTTQ Việt Nam, hình thức đa dạng hoá đã được phát triển rất nhiều. Nhưng phải nói rằng, Mặt trận cũng chưa theo được hết yêu cầu của nhân dân. Nhiều mong muốn của nhân dân mà Mặt trận chưa đáp ứng được.

- Xin hỏi ông Lê Bá Trình. Trong những năm qua, Mặt trận các cấp đã phát huy tốt vai trò của mình trong hệ thống chính trị. Vậy theo ông, trong thời gian tới, Mặt trận cần phải có những hoạt động gì để phát huy ngày càng tốt hơn nữa vai trò của mình trong hệ thống chính trị?

Ông Lê Bá Trình: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào hoạt động của hệ thống chính trị thì phải chú trọng tuyên truyền tới cộng đồng, các tầng lớp nhân dân nhận thức và thực hiện đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Việc tuyên truyền vận động sẽ tạo ra sự thống nhất, đồng thuận trong tầng lớp nhân dân về nhận thức hướng tới mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có nhiệm vụ cùng với tầng lớp nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền ở Trung ương cũng như địa phương để làm sao đảm bảo hoạt động của các cơ quan phải đúng theo pháp luật, phục vụ quyền lợi chính đáng của người dân.

Muốn thực hiện việc làm này thì Mặt trận phải tăng cường các công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền; phối hợp với các thành viên trong mặt trận. Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo ra sức mạnh chung và  hiệu quả của công tác mặt trận tham gia vào phong trào vận động quần chúng.

- Thưa ông Lê Bá Trình, tổ chức Mặt trận ngày càng thể hiện vị trí quan trọng đối với đời sống chính trị, xã hội và được nhân dân tin cậy. Các cuộc vận động do Mặt trận phát động như “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, Ngày “Vì người nghèo” được nhân dân tích cực hưởng ứng. Vậy theo ông, thời gian tới, Mặt trận cần phải làm gì, làm như thế nào để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, vị trí của Mặt trận trong nhân dân?

Ông Lê Bá Trình: Để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của Mặt trận trong nhân dân, sắp tới đây, Mặt trận các cấp tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, trong đó các cuộc vận động, phong trào phải mang tính chất thiết thực. Như phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, có 6 nội dung bao gồm các lĩnh vực trong đời sống. Mỗi nội dung phải có phương thức để triển khai, mang lại hiệu quả, để người dân thấy được lợi ích riêng và chung để tích cực tham gia.

Cuộc vận động “Vì người nghèo” có nhiều nội dung nhưng trong những năm gần đây, do tình hình mới, MTTQ cùng với Nhà nước đã có nhiều chương trình xoá nhà tạm cho người nghèo. Và bây giờ, cuộc vận động này được sự ủng hộ của các cấp, nhân dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, cho đến nay đã xoá được 700.000-800.000 nhà tạm cho người nghèo, còn khoảng hơn 300.000 căn nhà nữa. Mặt trận cũng đặt mục tiêu đến năm 2010, cùng với Chính phủ xoá xong nhà dột nát cho người nghèo và đi vào lĩnh vực khác của xã hội như an sinh cho người dân, tăng cường chăm lo sức khoẻ, điều kiện cho con em người nghèo đi học; tạo điều kiện về tiếp xúc nghề nghiệp, công cụ lao động và giúp cho người nghèo vượt qua những khó khăn hiện tại. Đấy là điều mà trong thời gian tới sẽ rất cụ thể trong các công tác vận động và thống nhất đưa ra một chương trình hoạt động.

- Thưa ông Phạm Xuân Hằng, đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành xong Đại hội MTTQ cấp xã, phường, thị trấn và đang tổ chức đại hội cấp quận, huyện. Xin ông cho biết trong quá trình thực hiện, MTTQ Hà Nội có gặp phải những khó khăn nào phát sinh ngoài dự kiến không?

Ông Phạm Xuân Hằng: Hiện nay các xã, phường trên toàn thành phố Hà Nội mới đã tổ chức xong đại hội cấp xã, phường, thị trấn và đang triển khai đại hội cấp quận, huyện. Không có nhiều khó khăn, nhưng những phát sinh là có.

Cụ thể như chúng ta đã biết, từ ngày 1/8/2008, Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa dư hành chính của Thủ đô, theo đó hợp nhất tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc tỉnh Hoà Bình, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc). Theo kế hoạch này, hệ thống Mặt trận của Thủ đô mới là rất rộng, quy mô lớn. Có 577 Ủy ban MTTQ cấp xã, phường, thị trấn; 29 cấp quận, huyện, trải dài trên diện tích hơn 3.300km2 với hơn 6 triệu dân số.

Ông Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội

Phát sinh ở đây thể hiện: Hà Nội trong tiến trình tiến tới Đại hội cấp thành phố có một số nội dung khá mới khác các tỉnh khác nói chung và Hà Tây nói riêng. Mấy năm qua, Hà Nội đều tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân ở tổ dân phố hoặc ở thôn đối với các huyện, hay ở khu dân cư. Hội nghị này do nhân dân tổ chức để đánh giá về những công việc ở khu dân cư mình, nơi mình sống chứ không phải là những việc quốc gia đại sự. Ví dụ: làm thế nào để vệ sinh - môi trường tốt lên, cống rãnh sạch sẽ, không có tệ nạn ở khu mình sinh sống...

Như vậy, có những việc mà cả Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhân dân tự cải thiện môi trường sống của mình. Như vậy cũng là tạo ra môi trường văn hoá. Điều đó, ở những nơi mới sát nhập hầu như không có. Vấn đề đặt ra là hiện nay Hà Nội (mới) có thực hiện giống như trước đây không? Chúng tôi quyết định phải làm, mà làm thì cần kinh phí. UBND Thành phố ủng hộ đề nghị của UBMTTQ và cấp thêm kinh phí khoảng 800 triệu đồng để triển khai Hội nghị Đại biểu nhân dân ở tất cả các nơi dân cư trên địa bàn mới.

Phát sinh thứ hai là được sự đồng ý của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội thì trong quá trình tiến tới Đại hội Toàn quốc cấp thành phố thì Hà Nội có thêm một nội dung là tổ chức các Hội nghị đánh giá việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam từ cơ sở cho đến thành phố. Mà điều này thì Hà Tây không triển khai, và khi hợp nhất thì Đại hội cấp xã, phường cũng gần xong rồi. Từ đó chúng tôi chỉ đạo, với địa bàn Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh… thì tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam cấp quận, huyện. Còn Hà Nội (cũ) thì thực hiện từ cơ sở. Việc đó phải làm trước khi Đại hội các cấp, nên về phía thành phố Hà Nội, chúng tôi đang làm kế hoạch quý I/2009 tổ chức Hội nghị đó.

Hội nghị đánh giá việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam là một hoạt động có ý nghĩa: kể từ khi ban hành Luật cho đến nay, việc nhận thức và thể hiện sự nhận thức trong hoạt động cuộc sống như thế nào? Thông qua Hội nghị để nắm bắt nhận thức và đánh giá sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ đã đảm bảo việc thực hiện theo Luật hay chưa.

Thứ hai là sự phối hợp thống nhất hành động của chính quyền với Mặt trận theo quy định của Luật. Thứ ba là xem xét trách nhiệm của tổ chức thành viên trong Mặt trận các cấp đã thể hiện đến đâu và tiếp đó là trách nhiệm tự thân của hệ thống Mặt trận các cấp đã nghiêm chỉnh thực hiện chưa, cái gì chưa thực hiện được để đưa vào nội dung của tiến trình tiến tới Đại hội. Có như thế, trong giai đoạn mới, nhiệm kỳ mới MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội mới làm tốt được.

Những phát sinh trên cũng không phải dễ dàng vượt qua. Nhưng khi vượt qua được lại tạo ra thời cơ để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ các cấp.

- Thưa các vị khách mời, cán bộ Mặt trận các cấp phải thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ hiện nay?

Ông Nguyễn Túc: Trong 38 năm làm công tác dân vận Mặt trận, tôi luôn nghiền ngẫm và tâm đắc câu nói của nhà văn Nga Mắc-xim Goóc-ki: “Khoa học khó nhất là khoa học xử lý mối quan hệ giữa con người với con người”. Công tác Mặt trận chính là giải quyết mối quan hệ đó.

Nước ta có 8 tôn giáo chính, 53 dân tộc anh em và các tầng lớp nhân dân. Người làm công tác Mặt trận ít nhất phải hiểu được tôn chỉ, giáo lý của mỗi tôn giáo, biết được văn hoá của từng dân tộc, biết được nguyện vọng của mỗi giai cấp. Vì thế, cán bộ Mặt trận phải là người đọc nhiều, đi nhiều. Nhưng để làm được việc này, trước hết phải đảm bảo được “trong ấm, ngoài êm”, nghĩa là phải làm thế nào để gia đình hiểu và tạo điều kiện cho mình trong công tác.

Thứ hai là phải giữ mình cho “sạch” thì tuyên truyền người dân mới nghe và làm theo. Thứ ba là phải chịu khó đọc, học hỏi thì mới có vốn kiến thức để áp dụng vào công việc của mình, để việc thuyết phục của mình vừa có lý, lại vừa có tình.

Ông Lê Bá Trình: Theo tôi, công tác Mặt trận là một trong những công tác khó. Trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận, nhất là những người làm chuyên trách trước hết phải có tâm huyết. Trước những khó khăn mà không có tâm huyết thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cán bộ ở các ngành khác thường được đào tạo theo công tác chuyên môn, khi triển khai công việc thì theo hệ thống ngành dọc. Nhưng đối với cán bộ Mặt trận, cán bộ thường là những người ở vị trí công tác khác chuyển sang, không được đào tạo cụ thể. Cán bộ Mặt trận đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp để áp dụng vào công việc, nhất là công tác tuyên truyền. Họ phải là những người am hiểu nhiều vấn đề ở nhiều lĩnh vực, phải tuyên truyền, vận động được bà con hiểu và làm theo; đồng thời người làm công tác Mặt trận phải có nhiệm vụ giám sát việc làm của các cơ quan, đơn vị.

Một điều không thể thiếu được đối với cán bộ Mặt trận trong khi thực hiện công việc của mình là làm việc phải có tình. Vì suy cho cùng, công tác Mặt trận là tiếp xúc với bà con nhân dân, không có tình, không có tâm huyết trong công việc thì khó có thể hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình.

Ông Phạm Xuân Hằng: Nhiệm vụ của cán bộ Mặt trận có liên quan đến nhiều vấn đề khác mang tính hệ thống. Tự cán bộ Mặt trận và hệ thống Mặt trận không giải quyết được nhiệm vụ của mình mà phải dựa vào sự lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, việc bố trí cán bộ Mặt trận cũng còn nhiều vấn đề, như anh Nguyễn Túc và anh Lê Bá Trình đã nói, đó là về cơ chế chính sách, về cán bộ từ các ngành khác chuyển sang, cách thức tuyên truyền tập hợp quần chúng nhân dân… Dân trí hiện nay đã được nâng lên, đòi hỏi cán bộ Mặt trận cũng phải được nâng lên, đòi hỏi những vấn đề về cơ chế, chính sách cũng phải đồng bộ.

Đối với cán bộ nói chung, cán bộ Mặt trận nói riêng, trình độ chuyên môn là những tiêu chuẩn đầu tiên đối với họ. Bên cạnh đó, thái độ chính trị (không nói đến trình độ chính trị) của người đó thế nào và kỹ năng làm việc ra sao? Nếu tất cả những điều đó đủ tốt rồi thì vẫn chưa đủ, mà mỗi cán bộ Mặt trận phải luôn ý thức được một nhiệm vụ quan trọng là phải gần dân, học dân, dựa vào dân thì mới làm tốt được công việc của mình. Sắp tới đây, nếu bỏ hệ thống HĐND cấp huyện, phường và giao việc giám sát cho Mặt trận thì đòi hỏi phải có một quy định cụ thể, rõ ràng vai trò của cán bộ Mặt trận. Bởi lúc đó, vị trí, vai trò của Mặt trận được nâng lên nhưng trách nhiệm nặng nề gấp bội, đòi hỏi phải quan tâm hơn nữa đến trình độ của cán bộ Mặt trận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên