Bao giờ việc từ chức, "nhường ghế" trở thành bình thường?
VOV.VN - Khi việc từ chức, nhường ghế trở thành bình thường cũng sẽ giảm bớt tư tưởng “làm quan” là "ăn trên, ngồi trốc" mà trở về đúng vị trí là “đầy tớ của dân”.
Ngày 8/9, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Điểm đáng chú ý, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Kết luận của Bộ Chính trị ban hành khi từ trước đến nay rất hiếm lãnh đạo xin từ chức, cho dù để xảy ra vi phạm tại các đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền…. Chỉ khi phát hiện ra sai phạm, bị xử lý thì họ mới “buộc” phải nghỉ việc. Vì thế, đến lúc nên coi từ chức, “nhường ghế” trong cán bộ, đảng viên là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên.
Tháng 1/2021, ông Trịnh Văn Khoa, nguyên thiếu tá, cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng xin ra khỏi ngành để tố cáo nhóm cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ trong vụ việc có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước đó, năm 2015 ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An xin nghỉ hưu trước tuổi để nhường ghế trước kỳ bầu cử…. Đó là số ít trường hợp cán bộ từ chức đúng nghĩa xuất phát từ lòng tự trọng, liêm sỉ của cán bộ.
Tuy nhiên, thực tế vừa qua, có khá nhiều vụ việc lùm xùm, dư luận lên tiếng và cũng đặt vấn đề nên từ chức, nhưng dường như việc “nhường ghế” vẫn là chuyện hiếm.
Bởi vậy, lần này, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, điều này được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Nguyễn Thành Viên, nguyên Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Bộ Tài chính cho rằng, nếu cán bộ tự nguyện từ chức thì đây là vấn đề tốt, họ đã thấy việc làm sai trái của mình. Nhưng nếu cố tình không từ chức thì buộc Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý phải xử lý theo đúng quy định.
"Thông báo số 20 rất hợp lý, được lòng dân và đặc biệt là củng cố được đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương” - ông Nguyễn Thành Viên cho biết.
Mặc dù quy định 260 về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của Bộ Chính trị được ban hành năm 2009; đến tháng 11/2021, quy định này được thay thế bằng Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Quy định đã xác định rất rõ những căn cứ và quy trình để cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Các căn cứ việc miễn nhiệm, từ chức trong Quy định đã cơ bản bao quát đầy đủ các tình huống đặt ra trong thực tiễn và kịp thời động viên, khuyến khích để cán bộ chủ động từ chức.
Ông Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, Bộ Chính trị đã quy định việc từ chức của cán bộ khi cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, khi có đủ căn cứ theo quy định của Bộ Chính trị; chủ yếu do cán bộ hạn chế về năng lực, trách nhiệm hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; hoặc để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng, hoặc có thể vì những lý do chính đáng khác của cá nhân.
Quy định đã rõ ràng, nhưng thực tiễn việc áp dụng không phải dễ dàng. Để thực hiện được quy định của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên tinh thần tự giác, tự nguyện, tự chỉ trích, lòng tự trọng và biết liêm sỉ. Điều đó phải xuất phát từ lòng trung thực, từ nhân cách lớn của cán bộ, đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải tự nhận thấy được ý nghĩa của quy định để có nhận thức đúng đắn trong cách hành xử. Nếu không đủ phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao thì cần phải dừng lại để “nhường ghế” cho người khác. Đó vừa là văn hóa, vừa là sự tự trọng của người đảng viên. Cũng đã đến lúc nên coi từ chức, “nhường ghế” trong cán bộ, Đảng viên là chuyện bình thường trong công tác cán bộ và là văn hóa công sở.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chuyện từ chức đã có từ thời cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư thời kỳ đó cũng tự thấy khuyết điểm. Đó là bài học rất lớn, cần phải tuyên truyền, ngay trong đội ngũ cán bộ, trong đảng viên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nói nhiều người vẫn tham lam, cố ý "giữ ghế" để được "bỏ qua" Đó là tinh thần tự giác rất kém. Vì vậy, khi con người bỏ được tính tham lam thì khi đó mới thực hiện được văn hóa từ chức.
Khi việc từ chức, nhường ghế trở thành bình thường cũng sẽ giảm bớt tư tưởng “làm quan” là "ăn trên, ngồi trốc" mà trở về đúng vị trí là “đầy tớ của dân”, phụng sự nhân dân và đất nước. Đồng thời, cũng là thực hiện trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo, người đảng viên theo đúng quy định của Đảng.
Ông Nguyễn Anh Liên, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, nên xây dựng văn hóa Đảng, trong đó đạo đức cán bộ, đạo đức đảng viên, đạo đức công dân làm gốc. Không có đạo đức cách mạng, không có đạo đức người cán bộ thì không bao giờ xây dựng được văn hóa Đảng nói chung và văn hóa từ chức nói riêng.
Quy định mới của Bộ Chính trị cũng rất nhân văn khi người bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.
Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Quy định như vậy là đảm bảo để tập thể đánh giá, nhìn nhận và người có khuyết điểm có điều kiện phấn đấu, có độ chín muồi để có thể hoàn thành nhiệm vụ mà họ sắp nhận./.