Tài liệu cổ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa

“Báu vật quốc gia này sẽ được giữ gìn và bảo vệ tốt nhất”

Không chỉ từ phía gia tộc họ Đặng, mà cả phía cơ quan chức năng, Nhà nước đã có một kế hoạch cụ thể để có thể gìn giữ những tư liệu quí báu này.

Cuối tháng 3 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện được một sắc chỉ quý của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn gìn giữ hơn 170 năm qua. Qua giám định của cơ quan chuyên môn, đây là một trong những sắc chỉ gốc mà các dòng tộc trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi còn lưu giữ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Phó Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, người phụ trách công tác bảo tồn, bảo tàng, nghiên cứu lịch sử đội Hoàng Sa - Trường  Sa của tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trong khi các bộ chính sử và tư liệu được tìm thấy trước đó chưa xác thực được nhiều vấn đề về cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành…, văn bản cổ của gia tộc họ Đặng lại có thêm nhiều thông tin quý, thể hiện khá rõ những vấn đề còn bỏ trống này.

PV: Thưa ông, thông qua giám định của cơ quan chuyên môn, ông có thể cho biết sắc chỉ của triều đình nhà Nguyễn được gia tộc họ Đặng, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gìn giữ hơn 170 năm qua có giá trị như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ: Tài liệu tộc họ Đặng trên đảo Lý Sơn hiện còn giữ thực sự là một tài liệu hết sức giá trị bổ sung vào những cứ liệu lịch sử đã có lâu nay của các Bộ chính sử của triều Nguyễn cũng như các học giả phong kiến Việt Nam và của Nhà nước Việt Nam hiện nay, khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một bằng chứng xác thực rằng cha ông ta ở Lý Sơn nói riêng và dọc ven biển miền Trung nói chung đã đổ rất nhiều xương máu để gìn giữ vùng lãnh thổ tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc trong suốt nhiều thế kỷ.

PV: Thưa ông, tại huyện đảo Lý Sơn chắc vẫn còn rất nhiều bằng chứng khác chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa, Hoàng Sa. Ông có thể nói gì về điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ: Không chỉ gia tộc Đặng, chắc chắn rằng trong các gia tộc trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều tư liệu quí giá liên quan đến đội Hoàng Sa và Trường Sa. Và Lý Sơn cũng là một bảo tàng sống động về lịch sử, chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua các Di tích lịch sử, Văn hoá hiện nay còn dày đặc trên đảo Lý Sơn. Ví dụ như Đình An Vĩnh, như là Am Linh Tự, như là mộ Phạm Hữu Nhật và dày đặc các ngôi mộ gió của những người lính hy sinh tại Hoàng Sa và Trường Sa - (tức là hy sinh nhưng không đem được xác về) và cả Lễ Khao Lề thế lính Hoàng Sa rất nổi tiếng mà nhiều người biết đến.

Việc phát hiện tài liệu quí hiếm tại gia tộc họ Đặng tại làng An Hải trên đảo Lý Sơn thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc.

PV: Như vậy, tài liệu gốc chúng ta vừa phát hiện không chỉ là báu vật của một dòng tộc nữa mà có thể coi là báu vật của quốc gia. Vậy hiện tại chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi có hướng chỉ đạo như thế nào để bảo quản, gìn giữ hiện vật một cách tốt nhất?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ: Chúng tôi đã bàn bạc, trao đổi với các cơ quan chuyên môn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi và UBND huyện Lý Sơn để chỉ đạo bảo quản, gìn giữ tài liệu này. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ, trao đổi với bà con tộc họ Đặng - nơi đã gìn giữ, truyền đời tài liệu này trong suốt 170 năm qua. Cho đến bây giờ gia tộc họ Đặng đã biết đây là một báu vật quốc gia và cũng muốn có một cách tốt nhất để gìn giữ, bảo quản tài liệu này, không chỉ từ phía gia tộc họ Đặng mà còn từ phía cơ quan chức năng, Nhà nước. Chúng tôi cũng đã có một kế hoạch để có thể đưa tư liệu quí báu ấy gìn giữ ở một nơi tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên