Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc và tư duy đổi mới, phát triển nông nghiệp
VOV.VN - Chủ trương “khoán hộ” của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động.
Sáng 29/12, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học với chủ để "Bí thư tinh thần Kim Ngọc - Chân dung một con người trong đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp". Đây là sự kiện nhằm ôn lại thân thế, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đối với nghiệp cách mạng nói chung và sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
“Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân... Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong…” – cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói như vậy về ông Kim Ngọc.
Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc được biết đến với cái tên “cha đẻ khoán mười” - người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968. Ông từng nói: "Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình".
Ngay từ những năm 1960, trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, Bí thư Kim Ngọc đã sớm nhận ra những hậu quả của cách quản lý bằng “tiếng kẻng”, bằng “dong công, phóng điểm” trong các hợp tác xã nông nghiệp.
GS.TS Nguyễn Tử Siêm - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: “Người nông dân họ không phấn khởi do không có quyền sử dụng đất đích thực mà là hợp tác xã. Thành thử chúng ta nghe “dong công, chấm điểm”, làm thế nào ghi danh được. Người làm chưa chắc bằng người đi họp. Do đó, công lãi như nhau.... Tình trạng đó dẫn đến thiếu đói. Trong tình ấy Bí thư Kim Ngọc bàn bạc rất sát với dân, với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trước đó để ra Nghị quyết 68”.
Tại thời điểm Nghị quyết 68 ra đời và triển khai thực hiện, “khoán hộ” bị coi là đốt cháy giai đoạn, không phù hợp với bối cảnh chung của đất nên được coi là một sự “vượt rào” trong phát triển nông nghiệp thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện “khoán hộ”, năng suất ở tỉnh Vĩnh Phúc tăng vọt. Đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh đã cải thiện rõ rệt. Điều này chứng tỏ, Nghị quyết trên đã nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Chủ trương “khoán hộ” của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động, dẹp bỏ những cánh đồng “cha chung không ai khóc”, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.
Tự hào về cha mình, ông Kim Nam - con trai Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, chia sẻ: “Là người con trong gia đình tôi rất tự hào vì chủ trương khoán ra đời hơn 60 năm, càng ngày không quên đi, mà chúng ta càng nhớ lại và thấy giá trị thực tiễn Nghị quyết khoán trong nông nghiệp; mọi người trong gia đình tự hào chồng và cha mình góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nông dân, nông thôn”.
Tại hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã Trao Kỷ niệm chương “Vì giai cấp Nông dân Việt Nam” cho đồng chí Kim Ngọc - Nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc. Đại diện gia đình, ông Kim Nam đã đón nhận Kỷ niệm chương./.