Biển Đông: Tâm thức – tư duy – hành động

Ý thức biển vẫn luôn có trong tiềm thức mỗi người Việt Nam, ý thức ấy cần trở thành tâm thức để tiến ra biển lớn

Việt Nam là quốc gia biển, có bờ biển dài trên 3.200 cây số, có một vùng lãnh hải và vùng biển đặc quyền kinh tế rộng tên 1 triệu km2. Nhằm tăng cường nhận thức về vai trò của biển trong mỗi người dân, vừa qua, Ban tuyên giáo Trung ương phát động cuộc thi tìm hiểu về biển đảo. 

Mỗi người Việt Nam trong tiềm thức đều có ý thức về nguồn gốc biển. Truyền thuyết Lạc Hồng, mẹ Âu Cơ mang 50 người con lên rừng, cha Lạc Long Quân mang 50 người con xuống biển. Mở mang bờ cõi, người Việt đã ra biển từ rất sớm. Sự nghiệp ấy tiếp nối qua nhiều thế hệ. Kinh tế biển đã từng phát triển, đã có nhiều thương cảng hình thành trên suốt dải bờ hình chữ S, như Vân Đồn ở miền Bắc; Hội An ở miền Trung, Hà Tiên ở miền Nam. Lịch sử còn ghi nhận tuyến hàng hải từ các thương cảng phía Bắc đi Đông Bắc Á.

Từ thế kỷ 17 Nhà Nguyễn đã cắt cử những đội lính thú từ đảo Lý Sơn ra đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa. Trong các bộ chính sử của triều Nguyễn, như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam thống nhất chí… hoặc trong các bộ sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Việt sử thông giám khảo lược của Nguyễn Thông, Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú… đều có ghi chép về công lao của đội Hoàng Sa bao gồm cả Trường Sa. Đây là những cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng nước bao quanh cách đây ba, bốn thế kỷ.

Đương đại, hậu duệ của nòi giống Tiên Rồng với ý thức biển trong tiềm thức tiếp nối cha ông ra khơi làm chủ biển Đông. Hơn 80 vạn tầu cá với hàng triệu ngư dân ngày đêm bám biển. Cờ đỏ sao vàng trên những tàu cá là sự thể hiện rõ nét nhất về khái niệm chủ quyền. Trên vùng thềm lục địa rộng lớn phía Nam ngọn lửa pha-ken trên những giàn khoan dầu khí ngày đêm cháy sáng. Những cái tên Bạch Hổ, Cá Ngừ Vàng, Rạng Đông, Sư Tư Đen, Sư Tử Vàng… đã cụ thể hóa khái niệm chủ quyền của từng hải lý vuông trên biển. Trên suốt dải bờ hình chữ S đã hình thành chuỗi đô thị biển. Đó là bàn đạp vững chắc để chúng ta tiến ra biển lớn. Và bàn đạp ấy cũng đang tiến ra biển. Những trung tâm dịch vụ nghề cá được xây dựng trên các đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Phú Quý, Trường Sa, Đá Tây, Côn Đảo.

Việt Nam- quốc gia bên bờ biển Đông, có chỉ số biển cao gấp 5 lần chỉ số biển trung bình của thế giới. Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200 cây số, vùng lãnh hải và vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu cây số vuông, điều này đã được tuyên bố theo Công ước của Liên hợp quốc về luật biển. Từ bờ biển Đông những tàu thương mại mang cờ Việt Nam theo các chuyến hải hành là thông điệp về sự trưởng thành của ngành hàng hải nước nhà. Và trên dải đất bên bờ biển Đông ngành công nghiệp đóng tầu đang phát triển mạnh mẽ, được kỳ vọng là trung tâm đóng tầu biển lớn thứ 4 trên thế giới.

Thế kỷ 21 là kỷ nguyên tiến ra đại dương. Chúng ta cần một tư duy biển. Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 đã ra nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường.

Trong chiến lược Biển cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53 đến 55% GDP, từ 55 đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tư duy biển là cơ sở để các nhà quản lý hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo trong một tổng thể chung nhất quán. Tư duy biển là cơ sở để các nhà quản lý hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo trong một tổng thể chung nhất quán. Tư duy biển là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biển, hỗ trợ các hoạt động kinh tế quốc phòng trên biển. Và tư duy biển là cơ sở để mỗi người Việt Nam góp ý chí cùng vươn ra biển lớn khai thác tài nguyên và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Để có tư duy biển cần có tâm thức biển. Ý thức biển vẫn luôn có trong tiềm thức mỗi người Việt Nam, ý thức ấy cần trở thành tâm thức. Mới đây Ban tuyên giáo Trung ương đã phát động cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, đó là cách cụ thể để mỗi người Việt Nam hình thành nên một tâm thức biển. Tâm thức ấy là cơ sở để có tư duy biển, để tiến ra biển lớn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên