Bình Dương cần phấn đấu trở thành động lực tăng trưởng cho Đông Nam Bộ
VOV.VN - Thủ tướng chỉ rõ, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, Bình Dương có đầy đủ yếu tố phát triển, cần phấn đấu trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022; định hướng, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo.
Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngoc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các bộ: Công An, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; về phía địa phương có Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, tỉnh cơ bản đạt được mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 2,62%, GRDP bình quân đầu người đạt 152 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - thương mại, dịch vụ đạt trên 89,2%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 58 tỷ USD, tăng 17,8%. Thu ngân sách đạt 66.788 tỷ đồng, đạt 114% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài gần 2,7 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2020.
Năm 2022, tỉnh Bình Dương tập trung triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên.
Tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng đường Cao tốc Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xem xét chủ trương đầu tư Đường sắt đô thị, thực hiện tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; ủy quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế một số dự án trên địa bàn; lộ trình thoái vốn nhà nước tại các Công ty cổ phần; về nhà ở cho công nhân, phát triển hạ tầng y tế...
Tại buổi làm việc, các bộ, ngành Trung ương có ý kiến và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Dương; đồng thời góp ý các nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh phát triển bền vững.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2021 vừa qua dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Thủ tướng chỉ rõ, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, Bình Dương có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, Bình Dương cần phấn đấu trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trong đó chỉ rõ, Tỉnh cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19; thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH.
Quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với tinh thần tự lực, tự cường, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa.
Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của Tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Phấn đấu sớm đưa Bình Dương trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh của cả nước.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển công nghiệp phụ trợ. Chú trọng công tác quy hoạch để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động; tập trung chuyển đổi số với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xây dựng chương trình, kế hoạch.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh; Chú trọng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển bền vững.
Phát triển KTXH đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức..
Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển KT - XH./.