“Bộ đội Cụ Hồ” Kostas Nguyễn Văn Lập đã sống một cuộc đời vẻ vang
VOV.VN - Chàng thanh niên Hy Lạp Kostas Nguyễn Văn Lập bị đưa đến Việt Nam theo đội quân viễn chinh Pháp, nhưng theo tiếng gọi của lương tri, ông đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người Cách mạng.
Ngày 2/8, tại thành phố Đà Nẵng, đồng đội và gia đình đã tổ chức Lễ viếng, truy điệu và tiễn đưa Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quân khu V. Ông Lập là một chứng nhân lịch sử, người nước ngoài đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, một người lính da trắng của Bộ đội Cụ Hồ đã trở về quê hương thứ hai- đất mẹ Việt Nam. Đồng đội của ông năm xưa lặng lẽ đến viếng, tiễn đưa ông. Ký ức về những ngày ông sống, chiến đấu cả tuổi thanh xuân của mình tại Việt Nam được sống lại qua lời kể của đồng đội.
Từ sáng sớm, những đồng đội từng gắn bó chiến đấu với ông Kostas Nguyễn Văn Lập đã đến Nhà tang lễ Quân khu 5. Thắp nén hương đưa tiễn người Anh, người đồng đội năm xưa, Đại tá Võ Văn Minh, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 803 Liên khu V đứng lặng thật lâu, rồi ôm chặt những người con gái của Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập mà rưng rưng. Ông Kostas Nguyễn Văn Lập chỉ hơn ông Minh 2 tuổi và ở cùng đơn vị. Ngày mới đến Việt Nam, ông Kostas chỉ biết tiếng Pháp. Nhờ nói được tiếng Pháp nên cấp trên phân công ông Minh giúp đỡ ông Lập làm thông dịch viên. Từ đó, 2 người gắn bó với nhau như hai anh em ruột, cùng ăn cùng ngủ chung một giường.
Đại tá Võ Văn Minh nhớ lại, ngày đó, ông Lập luôn đi chân đất, không chịu mang dày dép nên có biệt danh là "đôi chân trần". Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đang chiến đấu tại Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông Lập nói, Minh ơi, mình thèm ly cà phê đen quá. Vậy là hai anh em lội bộ hơn 10 cây số để uống ly cà phê.
Sau Hiệp nghị Geneva, ông Nguyễn Văn Lập tập kết ra Bắc, sau đó trở lại quê hương Hy Lạp, từ đó 2 người mất liên lạc nhau. Mãi đến năm 2005, lần ông Lập trở lại Việt Nam, khi đang ở thủ đô Hà Nội, ông đã viết một bức thư đăng trên báo Quân đội Nhân dân Việt Nam với lời nhắn nhủ rằng: “Tôi là bộ đội ở Quân khu V, có còn ai nhớ tôi không.?”. Tình cờ đọc bức thư này, ông Minh liền viết thư hồi âm nhưng khi đó ông Lập đã rời Hà Nội về lại Hy Lạp. Ông Minh phải nhờ một nữ phóng viên của Báo Quân đội Nhân dân lúc bấy giờ gửi bức thư này đến địa chỉ ông Lập ở đất nước Hy Lạp.
Nhận được thư của ông Minh, ông Nguyễn Văn Lập liền bay sang Đà Nẵng đến nhà thăm ông Minh. Hai người gặp nhau nói không nên lời. Sau lần đó, vài năm một lần ông Kostas Nguyễn Văn Lập lại đưa vợ, con từ Hy Lạp sang Đà Nẵng thăm đồng đội mình. Cứ một lần gặp nhau là chuyện cũ lại ùa về, anh em lại chuyện trò thâu đêm suốt sáng. Đại tá Võ Văn Minh kể lại:
“Ông Lập tội lắm, lúc đó ở đơn vị, cái súng nặng nhất đều giao cho ông hết, bởi vì ông Lập khỏe. Lúc đó, Liên khu 5 cho anh Lập một cái nhà ở bên quận Sơn Trà nhưng vợ con không qua ở nên ông trả lại. Anh Lập nói, tôi có 2 tên, tên Nguyễn Văn Lập là tên bộ đội Liên Khu 5. Cho nên tôi chết là chỉ ở Liên Khu 5 thôi.”
"Trong phòng bố mình luôn có một tấm vải xanh với câu thêu bằng chỉ vàng: Thây tôi về Hy Lạp, linh hồn tôi ở Việt Nam. Hôm nay, như cánh chim lạc, bố mình đã trở về quê hương thứ hai, quê hương của chúng ta, đất mẹ Việt Nam”. Chị Foteini Sarantidou-Nguyễn Bạch Tuyết, con gái cả của ông Kostas Nguyễn Văn Lập xúc động khi đọc lời cảm ơn tại lễ truy điệu bố mình.
“Với phẩm giá và nỗ lực những năm tháng của cuộc đời ông trong việc tạo ra một nhịp cầu hữu nghị giữa hai quê hương, tâm hồn ông sẽ hạnh phúc khi được dạo chơi trên mảnh đất nơi ông đã sống và cống hiến. Ông sẽ trò chuyện với những người bạn năm xưa và những người đã hy sinh vì Tổ quốc…"- chị Bạch Tuyết xúc động.
Chị Nguyễn Bạch Tuyết kể, từ khi máy bay hạ cánh đáp xuống Việt Nam, chị đã bật khóc.
"Giây phút cuối cùng bố con nói chuyện với nhau, bố có nguyện vọng muốn đưa tro cốt của mình về chôn cất tại Việt Nam. Người Việt Nam có câu tục ngữ "uống nước nhớ nguồn”, nhắn nhủ mọi người sống cho trọn nghĩa trọn tình, phải biết nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ"- Chị Nguyễn Bạch Tuyết tâm sự, chị may mắn có Mẹ là người Việt Nam. Cả tuổi thanh xuân của cha đã sống và chiến đấu ở Việt Nam. Bây giờ, ông chọn Việt Nam làm nơi an nghĩ cuối cùng. Từ đây, các con của ông đến Việt Nam nhiều hơn.
Chị Foteini Sarantidou Nguyễn Bạch Tuyết tự hào, bố mình là biểu tượng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hy Lạp: “Đối với chúng tôi, ông là tấm gương quên mình và tinh thần chiến đấu, là ngọn hải đăng sáng. Có mặt ở đây cũng không thể quên cội nguồn của mình, vì mẹ mình là người Việt Nam. Chúng tôi, gia đình của ông rất biết ơn những gì Chính phủ Việt Nam, các quý vị, các bạn đã dành cho bố chúng tôi và cho chúng tôi.”
Đọc điếu văn tại lễ truy điệu ông Kostas Nguyễn Văn Lập sáng nay, Thiếu Tướng Trương Thiên Tô, Phó Chính ủy Quân khu V khẳng định, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập sinh ra tại đất nước Hy Lạp bên bờ biển Địa Trung Hải. Song cả tuổi thanh xuân của ông đã sống, chiến đấu bên những đồng đội, đồng chí tại Việt Nam. Việt Nam đã trở thành quê hương, trở thành Tổ quốc với trọn vẹn nghĩa tình.
Chàng thanh niên Hy Lạp Kostas Nguyễn Văn Lập bị đưa đến Việt Nam theo đội quân viễn chinh Pháp, nhưng theo tiếng gọi của lương tri, ông đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người Cách mạng đi suốt cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược và cống hiến cả tuổi trẻ cho sự nghiệp vinh quang ấy. Người chiến sĩ cộng sản, anh “Bộ đội Cụ Hồ” Kostas Nguyễn Văn Lập đã sống một cuộc đời vẻ vang, trở thành tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì công lý, vì hoà bình, độc lập, tự do, vì chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp.
Thiếu Tướng Trương Thiên Tô, Phó Chính ủy Quân khu V khẳng định, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập sẽ luôn sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam: “Tôi hết sức cảm động và thấy đây là việc làm hết sức có ý nghĩa. Cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 xem đây là một nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện sự tri ân, tình cảm, trách nhiệm đối với những người người cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng./.