Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn
VOV.VN -Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị tham gia, nhân dân đồng tình ủng hộ.
Sáng 16/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đã có tác động đến sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cao và động viên tinh thần của toàn xã hội đối với nông dân, nông thôn. Nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước.
Đến nay, cả nước đã có 185 xã đạt chuẩn nông thôn mới và gần 600 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí - là một khích lệ lớn đối với phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm từ 2011 - 2013, Chương trình đã huy động được 485.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước các cấp bố trí hơn 162.000 tỷ đồng. Trên 9.000 mô hình chuyển đổi hình thức sản xuất từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa theo lợi thế địa phương gắn với thị trường đã được thực hiện, đem lại năng suất thu nhập cao hơn trước từ 15%-40%.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị |
Các địa phương đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, còn nhiều khó khăn. Phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, trong đó nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng nông thôn mới khẳng định, đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất để triển khai Nghị quyết Tam nông. Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, được cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, nhân dân đồng tình ủng hộ và trực tiếp thực hiện.
Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số mô hình sản xuất hiệu quả, có sự gắn kết giữa người dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã qua đó tạo được một số quan hệ sản xuất mới. Nhiều địa phương đã có một số cách làm sáng tạo, phù hợp, vận dụng hiệu quả các chính sách của Nhà nước. Nhiều tỉnh, thành phố, Bộ, ngành đã hưởng ứng, cụ thể hóa thành phong trào thi đua ở địa phương, đơn vị.
Các cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực tổ chức quán triệt về mục đích, nội dung của chương trình. Đặc biệt, 100% cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp đã triển khai công tác tuyên truyền tới người dân. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Hội nghị đã xác định mục tiêu tiếp tục phấn đấu thực hiện tới năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Các xã chưa đạt chuẩn phải tăng từ 2 đến 3 tiêu chí/năm. Đến năm 2015, phấn đấu có huyện đạt nông thôn mới. Các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục chú trọng thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn.
Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Mỗi xã chọn 1-3 cây, con, ngành nghề có triển vọng, quy hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực chỉ đạo xây dựng mô hình, đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng cần thiết, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Quảng Ninh đột phá đầu tư cho hạ tầng cơ sở là giao thông và thủy lợi phục vụ sản xuất, đặc biệt là đầu tư phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, hàng năm, dành nguồn vốn cho Chương trình này, đồng thời huy động các nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều không thể thiếu được là đẩy mạnh ứng khoa học công nghệ vì sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, liên quan quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do đó tỉnh có quỹ dành cho khoa học công nghệ và thực hiện việc ứng dụng chuyển giao và hỗ trợ cho Chương trình này”.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã được thành tích thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời ghi nhận các ý kiến thiết thực đóng góp thực hiện Chương trình này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, theo tinh thần triển khai Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được Chính phủ cụ thể hóa là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dưng nông thôn mới với 19 tiêu chí đặt ra, công nghiệp hóa nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn nông thôn. Đây cũng điều kiện quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững nông nghiệp –nông thôn và nền tảng phát triển kinh tế -xã hội đất nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau 3 năm thực hiện chương trình, nhận thức của các cấp ủy chính quyền và hệ thống chính trị, nhân dân ngày càng được nâng lên. Các cơ chế chính sách được ban hành nhìn chung phù hợp kịp thời. Bộ máy chuyên trách triển khai Chương trình này từ Trung ương đến địa phương hoạt động đồng bộ và đạt hiệu quả. Công tác lập quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, quy hoạch sản xuất, xóa đói giảm nghèo đạt nhiều tiến bộ trên địa bàn nông thôn. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nông thôn ngày càng tăng, kết quả giám sát được tăng cường. Vai trò làm chủ của nhân dân được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn nông thôn.
Thủ tướng lưu ý, Ban chỉ đạo, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần rút kinh nghiệm và khắc phục tồn tại hạn chế sau 3 năm thực hiện Chương trình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, Ban chỉ đạo chương trình từ Trung ương đến địa phương cần tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó chú trọng áp dụng khoa học tiến bộ, cải tạo giống cây trồng vật nuôi, thủy sản làm tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng giá trị sản phẩm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hình thành mối quan hệ sản xuất mới theo chuỗi giá trị sản phẩm từ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản chế biến và ra tới thị trường. Từ đó tăng cường mối liên kết giữa ngân hàng với người dân và giữa doanh nghiệp với nông dân, tránh thiệt hại cho nông dân. Các địa phương cần tạo mọi điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Theo đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư sản xuất, sẽ tác động chuyển đổi lao động nông thôn sang ngành nghề phi nông nghiệp, dịch vụ thương mại.
Về lâu dài, Thủ tướng yều cầu các Bộ, ban, ngành và các địa phương huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn như, giao thông, thủy lợi, vận động cộng đồng tham gia đóng góp, trong đó lưu ý lồng ghép các nguồn vốn, tính toán cụ thể sát thực tế, tránh đầu tư dàn trải. Tập trung triển khai các chương trình đào tạo nghề nông thôn tạo nguồn lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp tiếp nhận lao động. Làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo y tế giáo dục và đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn.
Về các giải pháp tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị cần coi đây là nhiệm vụ chính trí thường xuyên. Người dân cần phát huy chủ động tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo đã tôn vinh 291 tập thể cá nhân tiêu biểu được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. Dịp này, 27 xã, thuộc 27 tỉnh, thành phố được tặng công trình trị giá 1 tỷ đồng./.