“Bộ máy chính quyền đang bị chồng chéo chức năng”

VOV.VN - Song song với luồng ý kiến giữ nguyên mô hình cũ, luồng ý kiến thứ hai đề nghị phải mạnh dạn đổi mới không ngại xáo trộn.

Ngày 16/4, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần có sự đổi mới đột phá về mô hình chính quyền địa phương. Đại biểu Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thời gian qua mô hình chính quyền địa phương theo kiểu cũ còn có nhiều bất cập, hạn chế, về lâu dài cần phải nghiên cứu để đổi mới; nếu tiếp tục giữ nguyên mô hình cũ, bộ máy Nhà nước sẽ tiếp tục cồng kềnh, thậm chí kém hiệu quả.

 
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh) cho rằng cần có sự đổi mới mang tính đột phá, không ngại xáo trộn nếu vẫn đảm bảo sự ổn định chính trị của cả hệ thống; phải có sự phân biệt rõ ràng hơn nữa giữa các cấp chính quyền.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng nhấn mạnh, vấn đề không phải thiếu HĐND thì không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân mà phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mà quan trọng phát huy bằng cách nào và như thế nào, dân chủ trực tiếp hay dân chủ qua khâu trung gian. Từ quan điểm đó đại biểu chọn phương án 2.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) đề nghị nên mạnh dạn tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp hoàn chỉnh: tỉnh, thành phố và cấp cơ sở, trong đó tăng thực quyền cho cơ sở để thực sự đại diện cho nhân dân vì “theo phương án này cũng sẽ không xáo trộn và không ảnh hưởng gì tới hệ thống chính trị”.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, "chúng ta thực hiện nền hành chính thống nhất nhưng không đồng nhất nên phải làm sao có chính quyền Trung ương mạnh, không để có chuyện “trên bảo dưới không nghe”, nhưng cũng cần có dư địa để địa phương quyết định, Trung ương không can thiệp mà chỉ kiểm tra xem có vi phạm lợi ích quốc gia hay lạm quyền không. Ta cứ bàn để hay bỏ HĐND, nếu giữ bộ máy hệ thống chính trị như hiện nay thì bỏ HĐND để làm gì? Bộ máy hiện nay đang bị chồng chéo chức năng, không rõ ràng giữa trung ương và địa phương, không thể nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, không thể tinh giảm biên chế để từ đó nâng lương cho công chức, để chống nhũng nhiễu”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) lại cho rằng "cả 2 phương án đưa ra, chưa thấy phương án nào hoàn hảo”. Theo đại biểu Thủy, không thể cho rằng lựa chọn phương án 2 bỏ HĐND quận, phường thì bộ máy tinh gọn hơn và phát huy được hiệu quả. Nếu chọn phương án 1 cũng không khẳng định được sẽ phát huy hiệu quả.

Đại biểu Thủy đề nghị Dự thảo Luật phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, làm rõ những điểm giống nhau, khác nhau của từng mô hình ở địa bàn nông thôn, hải đảo, đô thị, hay đơn vị hành chính đặc biệt. Có như vậy, theo đại biểu mới chọn được phương án để xây dựng mô hình chính quyền địa phương phù hợp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên