Bộ Nội vụ thông tin về Nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
VOV.VN - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đây là việc thể chế hoá Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, đặc biệt là Kết luận 14 của Bộ chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung.
Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi nào hoàn thành Nghị định về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung?, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đây là việc thể chế hoá Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, đặc biệt là Kết luận 14 của Bộ chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung.
Theo ông Thăng, khi được Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ giao xây dựng Nghị định này vào tháng 12/2022 Bộ Nội vụ đã phối hợp cùng Bộ Tư pháp thống nhất quy trình xây dựng Nghị định. Cuối tháng 12, Bộ Tư pháp đã đồng tình với Bộ Nội vụ xây dựng theo thủ tục rút gọn và đã báo cáo Thủ tướng, được Thủ tướng đồng ý xây dựng theo thủ tục rút gọn.
"Hiện nay, Bộ Nội vụ đang thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo theo quy định. Đây là Nghị định rất phức tạp, khó liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên rất khó. Do vậy, Bộ Nội vụ trên tinh thần tập hợp ý kiến từ các bộ, ngành địa phương, Ban Tổ chức trung ương để làm sao xây dung Nghị định thể chế hoá được chủ trương của Đảng để đảm bảo tính khả thi", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nói.
Ông Thăng cũng thông tin, nội dung Nghị định chủ yếu tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Trong phạm vi điều chỉnh quy định các nguyên tắc, các điều kiện, các quy trình thủ tục để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thứ hai là đối tượng áp dụng vì hiện nay đối tượng rất rộng.
Thứ ba, làm sao làm rõ quy trình thủ tục thực hiện bảo vệ, khuyến khích. Thứ tư làm rõ điều kiện khuyến khích như thế nào? Các hình thức khuyến khích, bảo vệ ra sao để thể chế hoá chủ trương của Đảng trong thực tiễn.
"Chúng tôi cố gắng làm sao để trình Chính phủ sớm nhất, làm sao để trong quý 2 trình Chính phủ. Cá nhân tôi rất mong muốn có tính khả thi để có thể sớm áp dụng, nhưng cũng phải nói đây là vấn đề rất khó, cực kỳ phức tạp", ông Thăng cho hay./.