Bộ sách Lịch sử Việt Nam: Nhìn nhận lại sự kiện 1979 là khách quan
VOV.VN-Theo tướng Lê Văn Cương, việc Trung Quốc kéo quân xâm phạm lãnh thổ Việt Nam về ngôn ngữ không có từ nào chính xác hơn là “cuộc chiến tranh xâm lược".
Truyền tải tới cộng đồng quốc tế về bản chất sự kiện
Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa giới thiệu và phát hành các bộ sách trọng tâm, trong đó có bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập) từ thời khởi thủy của Việt Nam đến năm 2.000, do tập thể các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học biên soạn.
Trong đó, đáng chú ý, tại tập 14, từ trang 351 – 359 đề cập chi tiết về chiến tranh biên giới năm 1979, trong đó nêu rõ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là “cuộc chiến tranh xâm lược” của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an). (Ảnh: Thanh Bình) |
“Các bộ sử trước, do nhiều nguyên nhân ta không dùng chữ “Trung Quốc xâm lược Việt Nam”. Nay bộ sử mới đã dùng cụm từ “cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam” vào tháng 2/1979 là khách quan, trung thực. Đây là điểm ấn tượng cao nhất và cũng là mới nhất” – ông Lê Văn Cương nói.
Ở tập 14, với hơn 2.500 chữ, lần đầu tiên bộ sách đã nói rõ nhiều vấn đề lịch sử lâu nay còn "khoảng trống", dẫn từ bối cảnh quốc tế, quan hệ hai nước, cũng như đề cập đến sự kiện sau kết thúc chiến tranh. Cùng với sử liệu, số liệu thông tin dày dặn như vậy đã giúp người đọc nhìn nhận một sự kiện lịch sử khách quan hơn, đúng đắn hơn, đáp ứng được nhu cầu của người đọc nói riêng, cả dân tộc nói chung.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc không né tránh mà đề cập một cách công khai những vấn đề khách quan của lịch sử đã truyền tải tới cộng đồng quốc tế một thông tin dù hết sức cơ bản về bản chất sự kiện năm 1979. Và chắc chắn, khi đã dùng từ ngữ như vậy, cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá Trung Quốc, Việt Nam một cách khách quan hơn, trung thực hơn.
Trong tập 14, từ trang 351 đến 359, bộ sử viết rõ về “quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc”. Các tác giả đã tóm lược mối quan hệ của hai nước sau năm 1975, những căng thẳng dẫn đến cuộc chiến nổ ra sáng 17/2/1979.
Bộ sử ghi: “5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 – 50km.
Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam”.
Đưa Chiến tranh biên giới vào sách giáo khoa cần rõ ràng, chi tiết
Phân tích về sự kiện này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết, trước ngày 17/2/1979, Việt Nam không hề có hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Quân đội Việt Nam, người dân Việt Nam đứng bên này biên giới bảo vệ lãnh thổ của mình, không một người nào vượt qua biên giới Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc trong 1 đêm đã ồ ạt đưa quân vượt sang 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, cùng xe tăng, pháo sang xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, đốt nhà, phá công trình.... Đó chính là cuộc chiến tranh xâm lược. “Trong ngôn ngữ Việt Nam không còn từ ngữ nào khác, và khoa học thì không thể dùng từ ngữ nào khác và chính xác hơn là “cuộc chiến tranh xâm lược” – ông Lê Văn Cương nói.
“Đã là lịch sử thì phải trung thực và khách quan, nếu không có nó thì không còn là khoa học nữa. Tính đến nay đã gần 40 năm với đủ độ lùi lịch sử, chúng ta cần bình tâm, tĩnh trí lại, nhìn rõ hơn sự thật khách quan của sự kiện này. Không những dân ta cần nhìn nhận lại sự kiện lịch sử khách quan hơn, đúng đắn hơn mà cộng đồng quốc tế cũng cần phải hiểu đúng: đâu là sự thật và coi đó là bài học” – vị tướng công an nhấn mạnh thêm.
Cần đưa sự kiện năm 1979 vào sách giáo khoa
Bộ sách “Lịch sử Việt Nam” không chỉ là bộ sử đồ sộ mà còn là công trình thay đổi những quan niệm cũ trong nghiên cứu từ trước tới nay, tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cho rằng, lịch sử Việt Nam vẫn còn những góc khuất mà bộ sử chưa bàn tới.
Theo ông, về cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1945-1954) và chống Mỹ (năm 1954-1975), các nhà khoa học nên tiếp tục bổ sung trên 2 phương diện: nhìn lại cuộc chiến bằng nhiều chiều khác nhau; bên cạnh bài học thành công, phải nói rõ những điểm chưa thành công. Ngoài ra, chính sách đối ngoại, bài học kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại sau giai đoạn năm 1975 cũng cần được làm rõ.
Ông nhấn mạnh: “So với cường quốc, chúng ta là một nước nhỏ thì bài học kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại bao giờ cũng có ý nghĩa nóng bỏng trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ dân tộc. Tôi nghĩ rằng, nếu còn tái bản sau này, các tác giả nên viết đậm hơn giai đoạn sau 30/4/1975”.
Tổng Bí thư mong tình cảm giữa hai dân tộc Việt-Trung ngày càng gắn bó
Vị tướng công an cũng chia sẻ thêm, dù đã được in trong bộ sách lịch sử mới, song cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc năm 1979 lại chưa được đề cập một cách chi tiết trong sách giáo khoa để giảng dạy chính thức trong nhà trường. Do vậy, ông mong muốn sự kiện này được nhắc lại đầy đủ trong sách giáo khoa để thế hệ trẻ biết được những gì ông cha đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống cũng như biết được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với những hy sinh của cha ông đối với đất nước.
Ông chia sẻ rằng, bản chất của lịch sử phải bóc trần được quan hệ quốc tế thông qua sự kiện. Chúng ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là kích động hận thù. Chúng ta trung thực, khách quan với lịch sử để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học, thiết kế chính sách quan hệ hai nước cho tương lai./.
Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa vào sách Lịch sử Việt Nam