Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 10 địa phương chưa gửi hồ sơ sáp nhập huyện, xã

VOV.VN - Trả lời chất vấn về tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết hiện còn 10 địa phương chưa gửi hồ sơ để thẩm định, ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Sắp xếp cán bộ dôi dư phải xong trong năm 2025

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, sau 4 năm kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực, vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện, 1405/9.694 cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ chế độ.

Ngoài ra có 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, 43/152 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp hưa được phê duyệt quy hoạch, 58/104 đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Nữ đại biểu nhấn mạnh, nguyên nhân là phụ thuộc vào nguồn lực và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, trong khi hầu hết các địa phương gặp khó khăn vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trong giai đoạn 2019-2021, tới thời điểm này còn 58 cán bộ công chức cấp huyện (8,22%) và 1405/9.614 người cấp xã (14,49%).

“Giai đoạn qua sắp xếp đơn vị hành chính và số dôi dư cấp xã lên tới trên 18.000 người mà giải quyết đến nay như vậy là khá cơ bản. Hạn cuối cùng theo nghị quyết của UBTVQH và Quốc hội thì hết năm 2025 giải quyết xong số này” – nữ bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết còn có địa phương do số lượng sắp xếp lớn nên có mặt gặp khó khăn.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vừa qua để giải quyết tồn đọng của giai đoạn trước và chuẩn bị cho sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, ban hành nhiều nghị định quan trọng. Bộ Nội vụ tham mưu ban hành Nghị quyết số 29 về giải quyết chính sách tinh giản biên chế, dành riêng một khoản rất rõ cho số dôi dư khi sắp xếp huyện, xã. Cấp xã có thêm Nghị định 33, là điều kiện thuận lợi để sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư cũng như cán bộ hoạt động không chuyên trách.

Cho rằng số còn lại không nhiều, bà Phạm Thị Thanh Trà mong muốn số địa phương quan tâm, sắp xếp trên chính sách hiện có. Hiện 46/54 địa phương trong diện sắp xếp huyện, xã có nghị quyết của HĐND hỗ trợ thêm ngoài chính sách tại Nghị định 29 của Chính phủ, điều này rất tốt.

“Trách nhiệm trước hết các địa phương rà soát xem xét công khai, dân chủ, công bằng để vận dụng chính sách hiện có của Trung ương và địa phương nhằm giải quyết dứt điểm số công chức dôi dư đến hết 2025 kết thúc” – bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về điều chỉnh quy hoạch và phân loại đô thị hình thành sau sắp xếp ở giai đoạn 2019-2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận đây là một tồn đọng. Như mới có 1 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được hình thành sau sắp xếp và phê duyệt; 6/6 đô thị hình thành sâu sắp xếp chưa được phân loại đô thị; 58/104 đơn vị hành chính thị trấn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt...

Lý giải thực tế trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng đây là nhiệm vụ rất lớn, nhưng giai đoạn qua có khó khăn. Cụ thể, thời điểm sắp xếp xong, chưa kịp điều chỉnh vì phải chờ quy hoạch tỉnh, sau đó mới rà soát quy hoạch đô thị nên có việc chậm trễ.

Bà đề nghị các địa phương trên tinh thần nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Bộ Xây dựng và quy định hiện hành về quy hoạch, lập đô thị để hoàn thiện nhiệm vụ; đồng thời nhấn mạnh đáp ứng yêu cầu khi sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng bộ quy hoạch tỉnh, đô thị, nông thôn và quy hoạch liên quan.

Tại sao có địa phương vẫn thực hiện được?

Cũng gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho biết, giai đoạn 2023-2025 cả nước sẽ sắp xếp 49 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương. Việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2024. Tuy nhiên, đến nay mới có hồ sơ 3 địa phương trình UBTVQH quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra.

“Thời gian còn lại không còn nhiều, để sớm ổn định bộ máy, nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ tới, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc sáp nhập cấp huyện, xã vừa qua có chậm tiến độ hay không, trách nhiệm của bộ trưởng thế nào, giải pháp thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra?” – đại biểu nêu chất vấn.

Đồng tình với phản ánh của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến thời điểm này Bộ Nội vụ tiếp nhận 43 hồ sơ của 43 tỉnh trong số hơn 50 tỉnh thuộc diện sắp xếp; đã hoàn thiện thẩm định được 32 bộ hồ sơ, trình UBTVQH 3 bộ và đang báo cáo Chính phủ 3 bộ hồ sơ. 10 địa phương chưa gửi về bộ để thẩm định. “Tiến độ này khó hoàn thành trước tháng 10” – bà Trà nói.

Nữ bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, trong việc này có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, các bộ liên quan và cả địa phương. Ngay khi có Nghị quyết 35, các ban chỉ đạo được thành lập, Thủ tướng Chính phủ tổ chúc hội nghị rất sớm nhưng khi triển khai khối lượng công việc rất lớn.

Hơn nữa, yêu cầu của nghị quyết cho giai đoạn này cũng chặt chẽ hơn, đảm bảo phù hợp quy hoạch tỉnh, đô thị, nông thôn và quy hoạch khác. Nhiều địa phương kết hợp mở rộng không gian đô thị hay thành lập đơn vị hành chính đô thị.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các nơi vướng nhiều việc chưa xây dựng được kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; chưa thực hiện hoàn thành các loại quy hoạch. Các hồ sơ vướng mắc cơ bản về quy hoạch và phân loại đô thị.

Tuy nhiên, bà cũng dẫn ví dụ Nam Định mở rộng không gian thành phố rất lớn với việc sắp xếp 77 đơn vị hành chính cấp xã để còn 52 đơn vị, nhưng đã làm rất tốt. “Nếu địa phương nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao sẽ thực hiện được. Thời gian còn lại mong địa phương cố gắng, nỗ lực. Tới đây UBTVQH tháo gỡ thêm một số vướng mắc liên quan quy hoạch đô thị, phân loại đơn vị hành chính đô thị nhưng cái đó một phần thôi, các địa phương phải nỗ lực cùng Bộ Nội vụ hoàn thành nhiệm vụ” – bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thường xuyên phối hợp chặt chẽ. Lãnh đạo Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh, nếu Chính phủ trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể làm cả thứ Bảy, Chủ nhận, sẵn sàng dành riêng 1-2 ngày họp riêng về nội dung này.

“Chiều mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp xem xét hồ sơ của 3 tỉnh mới trình, đồng thời ra nghị quyết tháo gỡ một số khó khăn. Mong đại biểu Quốc hội ủng hộ và tăng cường giám sát, đôn đốc ở địa phương để trước tháng 10 cơ bản xong” – ông Nguyễn Khắc Định nói.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng “đắng lòng” khi nghe nông dân nói lý do đốn điều, trồng sầu riêng
Bộ trưởng “đắng lòng” khi nghe nông dân nói lý do đốn điều, trồng sầu riêng

VOV.VN - Tình trạng bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng đổ bệnh tiêu chảy rồi chết hàng loạt sau khi tiêm vaccine là một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/8.

Bộ trưởng “đắng lòng” khi nghe nông dân nói lý do đốn điều, trồng sầu riêng

Bộ trưởng “đắng lòng” khi nghe nông dân nói lý do đốn điều, trồng sầu riêng

VOV.VN - Tình trạng bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng đổ bệnh tiêu chảy rồi chết hàng loạt sau khi tiêm vaccine là một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/8.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng VHTTDL về lời hứa trả lại mỹ quan di tích Cột Cờ Hà Nội
ĐBQH chất vấn Bộ trưởng VHTTDL về lời hứa trả lại mỹ quan di tích Cột Cờ Hà Nội

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng hàng quán lấn chiếm không gian Cột Cờ Hà Nội - di tích lịch sử văn hoá quốc gia diễn ra trong thời gian dài và đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL “khi nào thực hiện lời hứa” chỉ đạo trả lại mỹ quan và sự tôn nghiêm của di tích.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng VHTTDL về lời hứa trả lại mỹ quan di tích Cột Cờ Hà Nội

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng VHTTDL về lời hứa trả lại mỹ quan di tích Cột Cờ Hà Nội

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng hàng quán lấn chiếm không gian Cột Cờ Hà Nội - di tích lịch sử văn hoá quốc gia diễn ra trong thời gian dài và đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL “khi nào thực hiện lời hứa” chỉ đạo trả lại mỹ quan và sự tôn nghiêm của di tích.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về du lịch đêm "nghèo nàn, đơn điệu"
ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về du lịch đêm "nghèo nàn, đơn điệu"

VOV.VN - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nói rằng “có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa”.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về du lịch đêm "nghèo nàn, đơn điệu"

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về du lịch đêm "nghèo nàn, đơn điệu"

VOV.VN - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nói rằng “có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa”.