Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng OECD
VOV.VN - Trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD) năm 2024 diễn ra tại Paris, Pháp, ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc gặp gỡ và làm việc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia và Thứ trưởng Ngoại giao Litva.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024; đề nghị Lào phối hợp trong thúc đẩy quan hệ OECD - ASEAN và Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD.
Nhất trí với những đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Saleumxay Kommasith đề nghị Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) sắp tới tại Lào; hai bên tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, cùng các quốc gia thành viên giữ vững đoàn kết, vượt qua thách thức và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.
Hai Bộ trưởng bày tỏ vui mừng về những thành tựu hợp tác quan trọng đạt được trong quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; nhất trí triển khai kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng hai nước nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone sang dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội (22-23/4/2024).
Hai bên đánh giá cao hợp tác tin cậy, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao, thể hiện qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương quan trọng; nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao giai đoạn 2021-2025; cùng triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có, nhất là hợp tác 3 bên, trong đó có tam giác phát triển Lào - Campuchia - Việt Nam, Lào - Việt Nam - Australia, Lào - Việt Nam - Thái Lan.
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordan Grlic Radman, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước trong khu vực Ban-căng, trong đó Croatia là một trong những đối tác ưu tiên. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian qua, trong đó có tổ chức thành công chuyến thăm Croatia của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (11/2022), tiến hành tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Zagreb (03/2024) và hoan nghênh kế hoạch thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Croatia trong năm 2025.
Về phần mình, Bộ trưởng Gordan Grlic Radman ủng hộ đẩy mạnh quan hệ hai nước, trong đó có hợp tác liên Nghị viện; nhất trí với đề nghị của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về việc hai bên thúc đẩy thành lập Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước về hợp tác kinh tế; đàm phán và ký Hiệp định về hợp tác giáo dục, lao động; đồng thời, đề nghị hai bên đẩy mạnh trao đổi đoàn, nhất là cấp cao, kết hợp hợp tác về khoa học, giáo dục, đào tạo và du lịch.
Hai Bộ trưởng nhất trí cùng phối hợp tổ chức các sự kiện chào mừng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Croatia trong năm 2024 gồm tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật như Ngày văn hóa, triển lãm tranh, tuần lễ phim, biểu diễn nghệ thuật tại hai nước để tăng cường hiểu biết và giao lưu Nhân dân hai nước.
Tại buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Litva Simonas Satunas, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Litva đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định EVFTA và là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định EVIPA; đề nghị Litva đóng góp tiếng nói ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phát triển nghề cá bền vững và thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam, thúc đẩy các nước thành viên EU khác sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, Thứ trưởng Simonas Satunas nhất trí xem xét khả năng thành lập các cơ chế hợp tác song phương về kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, du lịch...
Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ truyền thống Việt Nam - Litva thời gian qua có những tiến triển tích cực, nhất là về thương mại, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng và cùng thống nhất một số biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới; thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Litva; duy trì cơ chế Tham vấn chính trị và triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao ký kết hồi tháng 10/2023; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN - EU và OECD.