Bộ trưởng GD-ĐT giải trình về học phí đại học cao, in ấn và phát hành SGK
VOV.VN - Chiều 4/11, tại phiên thảo luận toàn thể về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
ĐBQH gợi ý những giải pháp thực tế cho ngành giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận từ các ĐBQH hai phần ba ý kiến thảo luận, tranh luận rất sâu sắc, gợi ý chính sách mang tính thực tế với những luận giải sắc bén liên quan đến vấn đề về sức khỏe của học sinh; việc phân luồng; chi phí học đại học, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương…
Làm rõ vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau sáp nhập do đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đã nêu trong phiên thảo luận sáng 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận đây là khó khăn, vướng mắc thực tế liến quan đến chủ thể quản lý và điều hành. Cụ thể, cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở GD-ĐT, 526 trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xử lý. Bên cạnh đó, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ sửa sửa đổi Nghị định 127 về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó xem xét trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý".
Với vấn đề sức khỏe và an toàn của học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những lo lắng liên quan đến các hiện tượng tiêu cực đang xảy ra trong môi trường học đường như bạo lực học đường, việc học sinh sử dụng thuốc lá, tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện; và các áp lực lớn khi học sinh thi vào lớp 10.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ hợp tác với các ban, ngành liên quan để xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cũng như thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và các vấn đề sức khỏe tinh thần. Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm tải áp lực cho học sinh trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi vào lớp 10, để học sinh có thể phát triển trong môi trường giáo dục lành mạnh và toàn diện.
"Những thách thức này không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn đòi hỏi sự hợp tác của cả cộng đồng và gia đình để tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh", ông Nguyễn Kim Sơn nói.
Băn khoăn học phí năm sau cao hơn năm trước
Nêu ý kiến về cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với điều kiện của đa số người dân, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) nêu thực tế, mức học phí cấp đại học tại các trường tự chủ đại học, nhất là hệ chất lượng cao, cao gấp đôi so với hệ đại trà. Người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10%-30%.
"Cử tri cho rằng, việc phân luồng đào tạo không chỉ dựa vào học lực, mà còn dựa vào điều kiện kinh tế gia đình của học sinh có khả năng đáp ứng 4-5 năm đại học hay không. Con em gia đình khó khăn khó mà theo học đại học, mặc dù các em có năng lực học tập tốt. Vấn đề này cũng đã được đại biểu đề cập trước đây nhưng có ý kiến cho rằng, người nghèo thì có chính sách cho hộ nghèo, học sinh giỏi thì có chính sách học bổng, nhưng số này rất ít. Hiện nay, số lượng lớn gia đình có con em học đại học rất khó khăn về tài chính để trang trải kinh phí", đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nói.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị, Bộ Giáo dục và đào tạo quan tâm nhiệm vụ "tiếp tục triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, gắn với thị trường lao động; đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp".
Làm rõ những y kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay học sinh phải đối mặt với sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10. Do vậy, đã đến lúc cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai Quyết định này thì mức độ phù hợp còn đến đâu. Bởi đây là căn cứ mà rất nhiều địa phương dựa vào.
"Theo Quyết định số 225/2018, chỉ tiêu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở là 70/30 và sau trung học phổ thông là 60/40. Chỉ tiêu này đã được các địa phương lấy làm cơ sở để xây dựng hệ thống trường công lập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhu cầu học trung học phổ thông của học sinh cao hơn so với khả năng đáp ứng của hệ thống trường, lớp hiện tại, gây ra nhiều căng thẳng trong quá trình lựa chọn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Về nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, các ngành công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế với tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI là thường sẽ đem theo những lĩnh vực mới vào Việt Nam và việc chúng ta đã chuẩn bị được đầy đủ nguồn nhân lực hay chưa vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời.
"Cần phải phân tích hết được những khó khăn của việc đào tạo nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần phải tăng lên thì mới có thể đáp ứng được", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Với ý kiến của đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) về tháo gỡ khó khăn trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng giải trình trước Quốc hội vấn đề lợi ích nhóm trong lĩnh vực này. Theo ông Sơn, Bộ GD-ĐT đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh để ngăn chặn các lợi ích nhóm trong quá trình in ấn và phát hành sách.
Một số cá nhân liên quan đã bị xử lý và hiện tại, nếu có bất kỳ cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào vi phạm, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.