Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu nhận xét, khá phù hợp với thực tiễn và yêu cầu chung của phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ bản nắm sát lĩnh vực phụ trách.

Ngày 11/6, sau phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn tiếp tục với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều khiển phiên làm việc.

Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã báo cáo lại việc thực hiện lời hứa của mình tại kỳ họp lần trước.

Thực hiện khá nghiêm túc lời hứa tại các kỳ họp trước

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT thường xuyên kiểm tra, rà soát các ý kiến của cử tri cũng như những lời hứa tại các kỳ họp của Quốc hội. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có báo cáo riêng gửi tới Quốc hội về kết quả thực hiện 19 lời hứa tại các kỳ họp trước của Quốc hội. Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận được 22 chất vấn với 33 câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào 5 nội dung chính: Triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 (Ban Chấp hành Trung ương Đảng) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện chính sách kích cầu trong nông nghiệp, nông thôn; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và quản lý vật tư nông nghiệp; bảo vệ và phát triển rừng; phát triển thuỷ lợi. Bộ trưởng đã có văn bản gửi tới từng đại biểu chất vấn và tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Hầu hết các đại biểu trước khi chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, những phần chất vấn bằng văn bản đều đã nhận được trả lời của Bộ trưởng.

Trong phần trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường, 21 ý kiến tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề chính, về sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản; về kích cầu trong nông nghiệp; phòng chống dịch bệnh vật nuôi và cây trồng; vấn đề trồng và bảo vệ rừng…

Quan trọng nhất là giải pháp về con người

Nhóm vấn đề thứ nhất xoay quanh sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) và một số đại biểu cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở nước ta, giá trị làm ra trên 1 ha còn thấp, một số nông sản bị “thua ngay trên sân nhà”. Trong khi đó, nước ta có tỷ lệ kỹ sư nông nghiệp chỉ tập trung vào các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp, thiếu hẳn những kỹ sư nghiên cứu cơ bản và các kỹ thuật viên sử dụng kiến thức cơ bản áp dụng vào mô hình sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Vũ Quang Hải nói: “Nước ta xuất khẩu lớn nhưng có khá nhiều sản phẩm “thua ngay trên sân nhà”, để cho những loại sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ tràn vào thị trường. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, giá trị sản xuất nông nghiệp của nước ta so với một số nước khác còn thấp. Trong điều kiện công nghiệp và dịch vụ đang lấy đà tăng trưởng thì phần lớn lao động vẫn làm việc trong khu vực nông nghiệp- nông thôn. Để giải quyết vấn đề này, con đường chủ yếu là giúp cho bà con nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Chủ yếu là thông qua áp dụng KHKT, đào tạo năng lực, xây dựng cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, trong các loại nông sản của nước ta có nhiều  loại có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế như lúa gạo, chè, hạt điều, thuỷ sản… Năm 2008, nước ta đã xuất khẩu được 14,5 tỷ USD, được công nhận là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn. Tuy vậy, vẫn còn một số loại nông sản mức sản xuất còn thấp, mặc dù đã cố gắng nhưng vẫn phải nhập khẩu như bông, đỗ tương… Vì thế, vẫn cần phải tiếp tục phát huy lợi thế đã có, đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, trong các giải pháp, vấn đề con người là quan trọng. Hiện nay phần lớn các kỹ sư, các Viện, trường đóng ở các thành phố lớn. Bộ NN&PTNT cũng nhận thức được việc phải có chính sách khuyến khích cán bộ về làm việc trực tiếp ở nông thôn.

Vừa qua, Chính phủ đã có chủ trương bố trí mỗi xã có 1 cán bộ khuyến nông, 1 cán bộ thú y về làm việc và đã tạo cơ hội cho hơn 20.000 cán bộ KHKT về làm việc tại xã. Ngành Nông nghiệp cũng có chủ trương điều chuyển cán bộ kiểm lâm về xã thay vì đóng ở tỉnh, ở huyện. Bộ cũng đang kiến nghị với Chính phủ và các địa phương để đưa thêm cán bộ ở các ngành khác về trực tiếp làm việc ở cơ sở. “Chính sách cũng cần phải tiếp tục được nghiên cứu, cải thiện để tạo thêm sự thu hút cán bộ về cơ sở làm việc. Chúng tôi cũng hết sức khuyến khích và đưa ra các chính sách để các Viện, trường về làm việc trực tiếp trên đồng ruộng”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định.

Đại biểu Võ Minh Thức (đoàn Phú Yên) chất vấn về vấn đề cũng được nhiều cử tri và người dân quan tâm: Đó là hiện nay diện tích đất đủ điều kiện để trồng rau an toàn mới đạt 8,5 tổng diện tích rau của cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn chỉ mới đạt 20%. Vậy dựa vào cơ sở khoa học nào để có được kết quả trên. “Như vậy, nếu chỉ có 8,5% diện tích đất trồng rau an toàn thì trên 91,5% còn lại là không an toàn?. Con số này mới nghĩ thì thấy rất đơn giản, nhưng nó lại liên quan đến các vấn đề về ô nhiễm nước, ô nhiễm hóa chất độc hại…”- Đại biểu Võ Minh Thức nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ NN&PTNT đã đưa ra những thông tư quy định về điều kiện như thế nào thì được gọi là ruộng rau an toàn hay vườn cây ăn trái an toàn. Con số được công bố là kết quả tổng hợp ở các địa phương, đối chiếu với các tiêu chí của Bộ. Tuy nhiên, những con số này cần phải được kiểm tra và Bộ đã chỉ đạo các địa phương căn cứ thêm điều kiện của Bộ đã hướng dẫn và quy hoạch, triển khai thực hiện.

Để người dân hưởng lợi nhiều hơn từ gói kích cầu

Nhóm vấn đề được cũng được khá nhiều đại biểu chất vấn là về gói kích cầu trong nông nghiệp, nhất là tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, chế biến nông sản thực phẩm. Các đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi), Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An), Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre), Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng, trong thời gian qua, đời sống nhân dân còn rất khó khăn vì bị động trên thị trường nông sản. Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất khoảng 17.000 tỷ đồng vừa qua chủ yếu tập trung vào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp như thế nào để người nông dân trực tiếp hưởng lợi nhiều hơn từ gói kích cầu tiếp theo.

 Người dân cần được hưởng lợi nhiều hơn từ gói kích cầu cho nông nghiệp

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chủ trương của Chính phủ luôn ưu tiên cho khu vực nông nghiệp-nông thôn vì khu vực này sẽ đem lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế. Trong chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ 4% lãi suất, tới nay trong số 336.000 tỷ đồng đã được “rót” vào nền kinh tế thì 18% (khoảng gần 60.000 tỷ đồng) đã được dành trực tiếp cho nông dân vay. Ngoài ra Chính phủ còn có một chương trình cho vay không lãi suất riêng cho nông dân để mua máy móc, mua vật tư nông nghiệp và mua vật liệu để xây dựng nhà. Đồng thời trong chương trình đầu tư Chính phủ cũng đã dành một phần rất lớn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đầu tư cho các công trình về nông nghiệp.

Cũng liên quan đến vấn đề kích cầu cho nông nghiệp, đại biểu Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An) nêu câu hỏi: “Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi sản xuất lúa, làm nhiệm vụ an ninh lương thực và góp 90% xuất khẩu gạo cho cả nước, nhưng đang đứng trước khó khăn: Giống không đảm bảo tiêu chuẩn, hạ tầng cơ sở nông thôn thiếu, tiêu thụ khó khăn, liên kết “4 nhà” yếu... Vậy việc sử dụng gói kích cầu như thế nào để đúng đối tượng, để lúa gạo đồng bằng Sông Cửu Long trong tương lai gần trở thành sản phẩm bền vững, xuất khẩu có chất lượng cao?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chính của nước ta, tới nay 100% sản lượng gạo xuất khẩu của đất nước từ đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề duy trì sản xuất ổn định, hiệu quả lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long là nền tảng để đảm bảo an ninh lương thực ở nước ta, lúa gạo tiếp tục là cây trồng đem lại thu nhập và việc làm chính cho bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế Chính phủ hết sức quan tâm. Trong chương trình đầu tư hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo rà soát lại quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hiện nay, Chính phủ cũng đã dành vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó có hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long. Bộ cũng đang tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới để xây dựng một chương trình vốn vay lớn để tiếp sức cho nỗ lực này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) về vấn đề kiểm soát và khả năng phân tích thông tin chưa tốt, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ ý thức sâu sắc vấn đề này. Nông nghiệp ngày nay sản xuất phải bám theo thị trường. Bộ đã phân công nhiều cơ quan theo dõi và phân tích thị trường, phối hợp với các cơ quan tuyên truyền cung cấp thông tin cho bà con. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phân tích và dự báo thông tin.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng và một số đại biểu quan tâm đến việc phòng, chống bệnh cho cây trồng vật nuôi. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã chỉ đạo các Viện Nghiên cứu phối hợp với Viện lúa quốc tế thử nghiệm và kiểm tra về mức độ kháng sâu bệnh của bộ giống chủ lực ở tất cả các vùng trồng lúa chính ở nước ra. Từ đó chọn lọc những giống với những mức độ kháng rầy và kháng các loại sâu bệnh để phổ biến cho bà con nông dân. Đến nay, về cơ bản chúng ta đã khống chế được bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh rầy nâu (Rầy nâu vẫn còn nhưng mức độ gây tác hại đã giảm thiểu rất nhiều).

Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý rừng

Đại biểu H'Luộc Ntơr (đoàn Đắc Lắc) và một số đại biểu cho rằng, vấn đề chặt phá rừng hiện nay xảy ra rất nghiêm trọng cho môi trường môi sinh, gây lũ quét. Cử tri rất bức xúc, đề nghị tạm thời đóng cửa rừng, giảm chỉ tiêu khai thác rừng hàng năm để hạn chế tình trạng chặt phá rừng… Bộ có giải pháp gì trước tình trạng này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, thời gian vừa qua Bộ đã chỉ đạo nhiều đoàn công tác làm việc với các địa phương, bàn các biện pháp phối hợp. Có 2 vấn đề mới được đặt ra, là rà soát sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh. Cả nước có khoảng 600.000 ha rừng sẽ được bàn giao từ các lâm trường quốc doanh về cho các địa phương, để giao cho các thành phần kinh tế, trong đó có đồng bào các dân tộc quản lý. Trong quá trình chuyển giao có nơi quản lý không chặt nên đã xảy ra tình trạng phá rừng. Có một nguyên nhân nữa là do đói nghèo, nhiều bà con đã chặt phá rừng để lấy gỗ và làm nương rẫy. Để giải quyết tình trạng này, cần giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng. Rừng chuyển giao từ các lâm trường quốc doanh cần phải thực hiện theo lộ trình, có sự kiểm soát chặt chẽ. Các địa phương cũng phải rà soát lại tất cả các dự án đã giao cho các thành phần kinh tế và kiểm tra xem các dự án này được thực thi như thế nào. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về xoá đói giảm nghèo; đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ươm cao su để che phủ rừng ở Điện Biên

Đại biểu Nguyễn Doanh (đoàn Gia Lai) chất vấn rằng, theo báo cáo của Bộ, độ che phủ rừng năm 2008 là 39%, mỗi năm chỉ tăng 1%, vậy làm thế nào để năm 2010 đạt được chỉ tiêu Đại hội Đảng đề ra là độ che phủ rừng toàn quốc đạt 41-43%?.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, con số 39% đưa ra trên cơ sở kiểm kê rừng theo chương trình thường xuyên của Bộ. Trong năm 2008, cả nước có 13,118 triệu ha rừng, độ che phủ là 40,35%. Tuy nhiên, khi công bố chính thức, Bộ đã loại ra 434.000 ha mới trồng (chưa đạt độ che phủ theo quy định) vì thế nên chỉ còn 39%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận,  để đạt được chỉ tiêu 43% là rất khó khăn. Bởi cùng với nỗ lực khoanh nuôi, trồng rừng thì hàng năm lại khai thác khoảng 100.000 ha. Bộ NN&PTNT sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, nông nghiệp, nông thôn và nông dân là lĩnh vực khó, luôn luôn được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Các vấn đề nêu ra được Bộ trưởng trả lời phù hợp với thực tiễn và yêu cầu chung của việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời và tiếp thu ý kiến của các đại biểu khá chân thành. Chủ tịch đề nghị những việc Bộ trưởng đã hứa với các đại biểu sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên