Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhìn vấn đề môi trường rộng hơn, không vì lợi trước mắt
VOV.VN - “Không có con đường nào khác là phải thay đổi để phát triển bền vững. Trong đổi mới có những vấn đề có tính cách mạng, ở đó mỗi cá nhân hay doanh nghiệp không phải thấy lợi ích từ đầu mà là lợi ích lâu dài”.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này khi trao đổi với báo chí sau khi dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều điểm mới vừa được Quốc hội thông qua chiều 17/11, gồm 16 chương, 171 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Nhận thức mới, tư duy mới
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong suốt thời gian qua, vấn đề môi trường của đất nước đang đứng trước thách thức do biến đổi khí hậu, do mô hình phát triển kinh tế chưa bền vững, chất lượng môi trường và đa dạng sinh học suy thoái, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Do đó, điều mong mỏi ngay từ đầu nhiệm kỳ chính là mong muốn có một chính sách có thể làm thay đổi được tình trạng này. Chính vì vậy, ông bày tỏ phấn khởi khi đạo luật được thông qua với nhiều điểm mới, đột phá, thực hiện được cam kết, lời hứa với tư cách là Bộ trưởng, là thành viên Chính phủ và thể chế hoá chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước trước đòi hỏi của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, môi trường trở thành vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, một tư duy mới và đạo Luật lần này thể hiện rất nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chú trọng vào kinh tế trí thức, kinh tế số, phát triển thuận thiên tức là dựa vào các quy luật tự nhiên phát triển, kinh tế dựa trên các nền tảng sinh thái.
Người đứng đầu ngành TN-MT cũng khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới được thông qua có nhiều điểm mới, thay thế khá toàn diện và cơ bản so với Luật Bảo vệ môi trường 2014, tạo nền tảng pháp lý cần thiết cho việc hình thành một bộ luật về môi trường thống nhất, hội nhập.
“Trong Luật lần này xác định những quan điểm hết sức quan trọng là chúng ta cần thay đổi để giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường, tiến tới chủ động hơn trong việc phòng ngừa và quản lý môi trường. Song song với nhiệm vụ cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường, không cho các dự án ô nhiễm làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật đã tiếp cận cách thức quản lý một cách khoa học dựa trên kinh nghiệm thế giới, chẳng hạn như đã tiếp cận vấn đề môi trường từ khâu xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ, đánh giá tác động, cấp giấy phép, quản lý cả quá trình hoạt động sản xuất... bằng các công cụ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và trên nền kinh tế số, tất cả mọi người cùng tham gia giám sát, cung cấp thông tin, phản biện.
“Chúng ta đã nhìn nhận vấn đề môi trường rộng hơn”
Nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2020 khẳng định tất cả vì chất lượng môi trường, thực hiện Hiến pháp là phải đảm bảo cho người dân được sống trong môi trường trong lành và người dân được tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, người dân sẽ có trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ tham gia như một chủ thể trong quá trình bảo vệ mội trường. Trong quá trình từ khâu xây dựng chính sách đến các khâu đánh giá tác động môi trường và đến những công việc cụ thể như giám sát chất lượng môi trường, phân loại rác...đều cho thấy trách nhiệm, quyền hạn và sự tham gia của người dân.
“Cùng với đó, đạo Luật đã cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính, sẽ quản lý những gì cẩn quản, quản lý những gì mà nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tạo điều kiện hết sức thông thoáng để những lĩnh vực, những ngành ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên…Chúng ta đã lần đầu thiết kế ở trong Luật này một thế giới, một đất nước, một xã hội và các lĩnh vực phát triển theo kinh tế tuần hoàn” – ông Trần Hồng Hà nói và dẫn chứng có biện pháp phòng ngừa từ xa đối với nhiều loại vật liệu hoặc sản phẩm rất khó tái chế để gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, của người nhập khẩu trong xử lý chất thải.
Cũng trong luật này, một hệ thống công cụ quản lý Nhà nước được thiết kế, chẳng hạn như bên cạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường tự động, quan trắc tuân thủ, kiểm soát thì có thêm các công cụ khác để có chế tài.
Các tiêu chí để phân định, xem xét, đánh giá, xác định dự án nào thân thiện với mội trường để áp dụng các biện pháp quản lý cũng rõ ràng hơn, tức là tập trung quản lý ở những lĩnh vực tiềm năng nguy cơ cao, dù số lượng không nhiều nhưng tác động môi trường rất lớn. Quan tâm vấn đề môi trường ở đây không chỉ là vấn đề chất thải mà còn đối với các dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, dự án có vị trí tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên, vùng đông dân cư, tức là vùng nhạy cảm với môi trường.
“Chúng ta đã nhìn nhận vấn đề môi trường rộng hơn” – ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh và cho biết, Luật tập trung vào 13 nhóm chính sách để hướng đến sự cân bằng sinh thái, đảm bảo tính bền vững. Ngoài ra, lần đầu tiên thống nhất thành một đạo luật trên tinh thần phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý rõ ràng từ Trung ương đến địa phương.
“Muốn thay đổi phải đổi mới và trong đổi mới có những vấn đề có tính cách mạng. Ở đây không phải mỗi cá nhân hay doanh nghiệp thấy được lợi ích ngay từ đầu mà lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, lợi ích chung với xã hội. Chúng ta không có con đường nào khác là phải thay đổi để phát triển bền vững” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, song ông cũng lưu ý còn rất nhiều việc phải thực hiện để luật triển khai hiệu quả trong cuộc sống.
Ông Trần Hồng Hà mong muốn Luật Bảo vệ môi trường 2020 "thắp lên một ngọn lửa mới, tinh thần mới và nếu coi Covid-19 là kẻ thù, là giặc thì ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, thách thức biến đổi khí hậu thực sự là thảm họa nên chúng ta phải có tinh thần chiến đấu, có chiến đấu thì sẽ chiến thắng!"./.