Bồi thường khi thu hồi đất phải dân chủ, công khai
(VOV) - Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Tiếp theo chương trình làm việc, sáng 19/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Quy hoạch cần tính tới liên thông các tỉnh
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đa số ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
Đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) cho rằng, Luật cần quy định về lấy ý kiến để đảm bảo quy hạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Theo đại biểu, quy hoạch phải đảm bảo có tính liên thông giữa các tỉnh giáp ranh để tận dụng những cơ sở hạ tầng và lợi thế sẵn có, tránh lãng phí cũng như các yếu tố xung đột không đáng có.
Đại biểu Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) cho rằng việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo 4 cấp như thời gian qua gây lãng phí, tốn kém và không hiệu quả. Vì trên thực tế ở cấp xã, đa số không đủ khả năng làm quy hoạch. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần có cơ chế để cấp xã tham gia ngay từ đầu và giám sát quy hoạch của huyện để đảm bảo sát thực tế địa bàn.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) khẳng định, công tác lập quy hoạch vừa qua còn nhiều bất cập, công tác dự báo chưa sát với tình hình thực tế, đồng thời chưa đánh giá được tác động về môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên...
Cũng theo đại biểu, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, thập chí đầu cơ chiếm đất, lãng phí đất có một phần nguyên nhân từ việc quy hoạch chưa tính hết các khả năng.
Đại biểu cũng đề nghị: Để rút lồng quy hoạch xã vào huyện để ngắn thời gian và chi phí khi quy hoạch; nên quy hoạch theo vùng, dựa vào lợi thế tự nhiên của từng vùng để góp phần bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Quy hoạch đất là cơ sở để có các quy hoạch khác để tránh chồng chéo.
Thu hồi đất phải gắn với tạo việc làm
Về cơ chế thu hồi đất, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Đa số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ quy định thu hồi đất vào mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) đề nghị nên quy định đối với các dự án về kinh tế quy mô nhỏ và vừa thì để người có đất bị thu hồi và người đầu tư thỏa thuận.
Đại biểu cũng đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua quyền sử dụng đất” thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là tài sản, khái niệm “thu hồi đất” chỉ dùng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Cũng theo đại biểu Huỳnh Thành, giải quyết việc làm cho người dân nông dân có đất bị thu hồi phải được thực hiện nghiêm túc, bài bản, tránh hình thức; có thể có cơ chế hoán đổi đất cho phù hợp với từng địa bàn hoặc chuyển thành cổ phần trong dự án được đầu tư.
Đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) cho rằng Nhà nước phải có vai trò trong điều tiết chênh lệch giá đất trước và sau khi thu hồi để tránh khoản chênh lệch rơi vào chủ đầu tư một cách không công bằng. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo cần xác định cơ chế tài chính sử dụng khoản chênh lệch này theo hướng Nhà nước để lại một phần thỏa đáng trực tiếp đầu tư vào cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội ngay tại khu có đất bị thu hồi./.