Cựu chiến binh chiến trường Việt Lào:

"Cả thế giới, không có mối quan hệ nào như Việt - Lào đâu!"

VOV.VN - “Chiến đấu trên đất Lào hay đất Việt cũng như nhau, hy sinh trên đất Lào hay đất Việt cũng như nhau. Cả thế giới, không có một mối quan hệ nào như Việt – Lào đâu!”.

Người lính đi từ đời vào sách

Năm 2019, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn xuất bản cuốn tiểu thuyết “Lính tăng”, kể về cuộc đời của những người lính trên chiến trường bằng những câu chuyện chân thực. Trong đó, có câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Văn Nhã – người lính được truy điệu sống 2 lần.

Không đơn thuần là một nhân vật trong tiểu thuyết, Đại tá Nguyễn Văn Nhã là người thật - chuyện thật ngoài đời. Ông đã từng chiến đấu tại chiến trường Xiêng Khoảng, Lào trong suốt 4 năm (1972 – 1976). Năm 1996, ông trở lại Lào với tư các chuyên gia quân sự, góp phần giúp nước bạn kiến thiết đất nước.

Người lính tăng năm xưa khẳng định, quan hệ Việt Nam và Lào là một quan hệ đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Sự đặc biệt ấy không chỉ nằm trong câu từ mà nằm ở những câu chuyện lịch sử còn tới tận ngày nay.

Hai lần được truy điệu sống

“Nó khét” là ký ức đầu tiên mà người lính già nhớ về những năm tháng chiến đấu tại Xiêng Khoảng: “Ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân lên chiến trường Xiêng Khoảng cũng là ngày địch dội bom”.

Ông Nguyễn Văn Nhã sinh năm 1947 tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1972, ông được điều động tham gia Đợt 3 Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972. Khi ấy ông đang là giáo viên dạy môn Sử ở một ngôi trường cấp ba, đã cưới vợ nhưng chưa kịp biết mặt con.

“Những ngày đầu sang đây, chúng tôi không thấy bóng người Lào đâu cả. Bởi nhiều người trong số họ đã bị quân đội Vàng Pao bắt đi. Ai thoát được thì phải vừa sống, vừa trốn".

Thời điểm đó, họ đều là những người lính trẻ, sợ tiếng bom ở xa hơn tiếng bom ở gần. “Bởi càng gần thì tiếng bom càng nhỏ: "Thế đấy giữa chiến trường/Nghe tiếng bom rất nhỏ!” - ông Nhã trích hai câu thơ trong bài "Tiếng bom ở Siêng Phan" của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Nhưng ở đâu cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, dù trên đất bạn Lào hay ở Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện, người lính già liên tục nhắc lại: “Chiến đấu trên đất Lào hay đất Việt cũng như nhau, hy sinh trên đất Lào hay đất Việt cũng như nhau.”

“Nói không sợ chết là không đúng, ai cũng sợ chết. Nhưng trong những người như chúng tôi luôn nuôi cho mình một niềm tin bất diệt là: Không chết” – ông Nhã bật cười thành tiếng: “Tin thế thì mới ra trận được!”.

Có lẽ niềm tin này đã giúp ông sống sót sau hai lần truy điệu… hụt!

Khi ông mới nửa năm tuổi quân, đơn vị làm lễ truy điệu trước cho ông và một đồng đội khác để cả hai chuẩn bị cùng thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Lần đó ông may mắn sống sót.

Khi gia đình và trường học nơi ông công tác nhận được tin ông mất tích, ông Nhã được tổ chức truy điệu lần thứ hai tại quê nhà. Sau lần truy điệu ấy, cha mẹ ông cũng đồng ý cho con dâu đi thêm bước nữa. Trớ trêu thay, khi ông được nghỉ phép trở về, giữa sự mừng vui của gia đình làng xóm vì con trai, người chồng, người cha, người thầy giáo vẫn còn sống, là những giọt nước mắt tái tê,...

Người “mè” Lào và mối quan hệ hiếm có trên thế giới

Khi được hỏi điều gì khiến ông nhớ nhất về những năm tháng chiến đấu tại Lào, ông Nhã kể về những người “mè” Lào.

Trong tiếng Việt, mè là từ phiên âm tiếng Lào của từ mẹ (ແມ່).

Những người “mè” Lào trong trí nhớ của ông Nhã là những người phụ nữ rất …trẻ!: “Có những người khéo chỉ hơn mình vài tuổi. Nhưng chỉ cần nhìn thấy bộ đội Việt Nam, họ sẽ tự động xưng “mè”: Các con vào nhà uống nước với mè”. “Hồi đó, dân cũng đói lắm, nhưng có thứ gì tốt nhất họ đều mang mời bộ đội Việt Nam”.

Hình ảnh ẩn dụ “hạt gạo cắn đôi” được sử dụng rất nhiều khi miêu tả về tinh thần sát cánh bên nhau, cùng vượt qua những năm tháng khó khăn của hai dân tộc. Nhưng trong những năm tháng chiến tranh, đây là hình ảnh ý nghĩa mà ông Nhã từng được chứng kiến.

“Năm đó, dân Lào đói lắm. Nhưng kho gạo của bộ đội Việt Nam ở ngay đây mà họ không lấy một hạt nào. Đôi khi, chúng tôi phải đến từng nhà, chia gạo cho người dân. Có lẽ đó là ý nghĩa thực sự của câu "hạt gạo cắn đôi" mà chúng ta thường nhắc lại”.

Ngược lại, khi quân địch chặn hết các cửa khẩu, cắt đường vận chuyển lương của bộ đội Việt Nam, người dân Lào lại sung trâu bò để “cứu đói” bộ đội Việt Nam.

“Người dân Lào họ rất thật thà, khi cần, dù không phải là anh em ruột thịt, họ sẵn sàng hy sinh cho mình.” – ông Nhã nói.

Năm 1976, chiến dịch thành công, ông Nhã cùng đồng đội lên xe về nước. “Lúc ấy thì phấn khởi lắm” – sau 4 năm chiến đấu ròng rã, ông Nhã chào tạm biệt chiến trường Xiêng Khoảng trở về Việt Nam.

Tháng 8/1996, ông Nhã một lần nữa trở lại Lào với tư cách Trưởng đoàn chuyên gia quân sự cho Bộ Quốc phòng Lào về nghệ thuật quân sự: “Khi được giao nhiệm vụ, kể cả khi chiến đấu hay là chuyên gia, thì đều phải làm hết mình. Cả thế giới, không có một mối quan nào như Việt – Lào đâu!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

60 năm quan hệ Việt - Lào: Cuộc chạy tiếp sức mà mỗi thế hệ đều nỗ lực hết mình
60 năm quan hệ Việt - Lào: Cuộc chạy tiếp sức mà mỗi thế hệ đều nỗ lực hết mình

VOV.VN - Quan hệ Việt - Lào được đặt nền móng từ thế hệ cha ông đổ xương máu, đồng lòng chiến đấu và đến thế hệ con cháu là tiếp nối và vun đắp.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Cuộc chạy tiếp sức mà mỗi thế hệ đều nỗ lực hết mình

60 năm quan hệ Việt - Lào: Cuộc chạy tiếp sức mà mỗi thế hệ đều nỗ lực hết mình

VOV.VN - Quan hệ Việt - Lào được đặt nền móng từ thế hệ cha ông đổ xương máu, đồng lòng chiến đấu và đến thế hệ con cháu là tiếp nối và vun đắp.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Tình nghĩa
60 năm quan hệ Việt - Lào: Tình nghĩa

VOV.VN - "Nếu dùng một từ để nói về mối quan hệ Việt - Lào tôi sẽ dùng từ 'tình nghĩa'. Vì thực sự, khi tôi xử lý nhiều mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới, thì thấy tình nghĩa như Việt - Lào không ở đâu có", Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Tình nghĩa

60 năm quan hệ Việt - Lào: Tình nghĩa

VOV.VN - "Nếu dùng một từ để nói về mối quan hệ Việt - Lào tôi sẽ dùng từ 'tình nghĩa'. Vì thực sự, khi tôi xử lý nhiều mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới, thì thấy tình nghĩa như Việt - Lào không ở đâu có", Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Câu chuyện được viết bằng niềm tin và tình nghĩa
60 năm quan hệ Việt - Lào: Câu chuyện được viết bằng niềm tin và tình nghĩa

VOV.VN - Với Việt Nam và Lào, trải qua 60 năm, mối quan hệ vẫn rất vô tư, trong sáng. Như Hoàng thân Souphanouvong đã nói, đây là mối quan hệ “sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất”.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Câu chuyện được viết bằng niềm tin và tình nghĩa

60 năm quan hệ Việt - Lào: Câu chuyện được viết bằng niềm tin và tình nghĩa

VOV.VN - Với Việt Nam và Lào, trải qua 60 năm, mối quan hệ vẫn rất vô tư, trong sáng. Như Hoàng thân Souphanouvong đã nói, đây là mối quan hệ “sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất”.