Các cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực mới phát triển thành phố Đà Nẵng

VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng khẳng định, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng tạo cơ hội, động lực mới cho Đà Nẵng phát triển.

Sáng 2/7, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng khẳng định, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng tạo cơ hội, động lực mới cho Đà Nẵng phát triển.

Cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Cử tri đề nghị Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc soạn thảo và ban hành các văn bản, bảo đảm các văn bản không lồng ghép vào mục đích lợi ích nhóm, cần tăng cường giám sát hiệu quả đầu tư công, đơn cử như dự án cao tốc.

Nhiều ý kiến cử tri cũng phản ánh tình trạng thường xuyên xảy ra thiếu một số loại thuốc điều trị khi người dân đi khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế tuyến quận huyện. Một số loại thuốc như tim mạch, mỡ máu… dùng cho người khám và điều trị bảo hiểm y tế ngoại trú, mỗi lần đến nhận thuốc, bác sĩ kê đơn mua ngoài. Nhiều người già, lớn tuổi đi lại khó khăn, chợ đợi mất thời gian và mất thêm một khoản tiền để tự mua thuốc bên ngoài. Trong khi đó, các quầy thuốc tư nhân bán rất nhiều loại thuốc, cần có cơ chế kiểm soát giá và chất lượng thuốc tại các cơ sở, quầy bán thuốc.

Từ ngày 01/7, chính thức tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức…, theo đó, Bảo hiểm y tế cũng tăng theo hệ số lương, gây khó khăn, ảnh hưởng đến người lao động phổ thông, buôn bán vỉa hè, vì đối tượng này không được tăng lương. Cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ đề nghị không nên căn cứ hệ số lương mà tăng mức đóng bảo hiểm y tế; cần có một định mức phù hợp. Cử tri cũng lo lắng khi lương mới chưa tăng nhưng giá cả thị trường đã rục rịch tăng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý nghiêm và có chế tài mạnh đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng, đầu cơ tăng giá hàng hóa.

Cử tri Trần Quang Sâm, ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng kiến nghị: “Sau khi tăng lương, nếu giá cả thị trường hàng hóa tăng theo tiền lương thì đối tượng công chức, viên chức, người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công và nhất là người lao động nghèo lại vẫn khó khăn do tăng lương không theo kịp tăng giá hàng hóa thiết yếu của thị trường. Đề nghị có giải pháp hợp lý để kiểm soát tình hình giá cả trên cả nước”.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội lần tới. Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trước đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết 119 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Qua quá trình triển khai đã khẳng định hiệu quả bước đầu về cơ chế không Hội đồng nhân dân quận, phường; giảm số lượng người trong bộ máy, trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu quận, phường tăng lên. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề phát sinh cần được giải quyết. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu mà Trung ương đặt ra cho thành phố Đà Nẵng không đạt được. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy Đà Nẵng nhận thấy, nếu không tìm một định hướng mới, một động lực mới cho sự phát triển thì rất khó.

Ngay từ đầu năm 2023, thành phố sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và được sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ quan Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý cho Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43 với nhiều định hướng, cơ chế chính sách mới. Điều này, cho thấy Trung ương đặc biệt quan tâm và có những định hướng rất cụ thể cho thành phố Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, việc Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng tạo động lực mới cho Đà Nẵng phát triển. Nội dung cơ bản của Nghị quyết với 2 nhóm vấn đề lớn, đó là việc chính thức tổ chức mô hình chính quyền đô thị và Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm 30 cơ chế chính sách đặc thù trong vòng 5 năm.

Quốc hội cho phép Đà Nẵng được thử nghiệm có kiểm soát những công trình, dự án chưa có quy định pháp luật, chỉ được phép thử nghiệm trên địa bàn thành phố và khi thử nghiệm sẽ được miễn trừ trách nhiệm nếu để xảy ra hậu quả. Có 5 chính sách hoàn toàn mới được Quốc hội đánh giá rất cao, đó là thí điểm thành lập khu thương mại tự do, thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội khi xây dựng dự án phát triển trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo….

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng khẳng định, những chính sách mới được thông qua là động lực mới để Đà Nẵng phát triển:“Hy vọng là khi các chính sách mới, đặc biệt là mô hình chính quyền đô thị khi thực hiện một cách chính thức cùng với các chính sách mới này và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp sẽ triển khai và tổ chức thực hiện thành công nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua dành cho Đà Nẵng".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

VOV.VN - Chiều qua (26/2), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 - về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

VOV.VN - Chiều qua (26/2), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 - về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.