Các địa phương cần tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế
VOV.VN - Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của địa phương nhằm tận dụng nhằm tối đa lợi ích mà hội nhập quốc tế mang lại.
Sáng 21/8, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ phát triển và hội nhập” đã khai mạc tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo của Bộ Ngoại giao, Chủ tịch và Phó Chủ tịch của các tỉnh thành trên cả nước, lãnh đạo các Bộ, ngành và các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là lần thứ ba Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại giao để các đại biểu địa phương có dịp tham dự Hội nghị lớn nhất của ngành ngoại giao, nhằm cùng nắm bắt tình hình quốc tế và khu vực và cùng đề ra các biện pháp triển khai công tác đối ngoại thống nhất từ trung ương tới địa phương trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn không ít khó khăn. Nhiệm vụ đối ngoại là rất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, và địa phương, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mở ra những vận hội mới cho đất nước.
“Trong thành tựu chung đó, công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá.
Theo Phó Thủ tướng, có được kết quả trên là nhờ công tác đối ngoại của địa phương đã đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan ngoại vụ địa phương đã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu cho tỉnh ủy, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác đối ngoại địa phương như: Tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm. Nhiều tỉnh, thành chưa gắn hội nhập với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương, chưa xây dựng chương trình hành động của triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết này (mới có 41/63 tỉnh, thành có chương trình hành động). Điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường từ hội nhập quốc tế sâu rộng. Năng suất, trình độ công nghệ và quản trị còn thấp, chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra, ngành ngoại giao từ trung ương đến địa phương phải hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với tư duy đổi mới mạnh mẽ, nhạy bén, khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và các Nghị quyết đại hội Đảng bộ của địa phương thành chính sách, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, nhất là về kinh tế.
Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành liên quan cần chủ động phối hợp, đồng hành, gắn kết chặt chẽ với các địa phương để triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại, bảo đảm đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước được thực hiện nhất quán, hiệu quả từ trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, trong 1 ngày diễn ra Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18, các đại biểu cần thảo luận thực chất, hiệu quả, đánh giá thẳng thắn, khách quan về những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác đối ngoại tại địa phương hiện nay, đề ra các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là những biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế phối hợp, gắn kết giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương.
Theo đó, cần quyết liệt trong việc đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, xác định đây là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; cần triển khai mạnh định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của địa phương, coi đây là nhiệm vụ chung của các tất cả các sở, ban, ngành.
Các địa phương cần tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch.
Các địa phương cùng phối hợp với các bộ, ngành trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại thường xuyên, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, FDI, tăng cường công tác quản lý biên giới lãnh thổ (đối với các địa phương có biên giới trên bộ, biển, đảo), thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác phi chính phủ nước ngoài.
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18, các đại biểu sẽ trao đổi về các vấn đề như: Công tác đối ngoại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài; đối ngoại phục vụ thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; thu hút vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để xóa đói, giảm nghèo... đồng thời tiếp xúc trao đổi với các Đại sứ, trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm đưa ra các đề xuất, kiến nghị từ đó có sự phối hợp phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương./.
Xung đột, chiến tranh ở Biển Đông là đi ngược với xu thế của thời đại