Các địa phương đón dân về quê ăn Tết an toàn, không "ngăn sông, cấm chợ"
VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ; cùng chung tay chăm lo để mọi người đều có một cái Tết ấm no, hạnh phúc, bù đắp lại những khó khăn, mất mát do dịch bệnh.
Ngày 28/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 1/2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 2/2022 và những tháng tiếp theo; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.
Dự phiên họp còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, một số Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 1 có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội, đối ngoại rất quan trọng, đánh giá lại công tác năm trước, đề ra nhiệm vụ giải pháp cho năm nay. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm hỏi, chúc Tết các gia đình chính sách, hộ nghèo, các lực lượng tuyến đầu. Hầu hết các bộ, ban, ngành, địa phương đã đánh giá công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Chúng ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP để phòng, chống dịch hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ năm nay.
Thủ tướng cho biết, năm 2022 tiếp nối kết quả tích cực của quý IV/2021, cụ thể như dịch bệnh được kiểm soát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác; nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt kết quả tích cực; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh được nối lại, khắc phục chuỗi cung ứng lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tại phiên họp này, tập trung bàn việc ưu tiên phòng, chống dịch, bảo đảm nhân dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, tiết kiệm; làm tốt công tác an sinh xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau", mọi người mọi nhà đều có Tết. Công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội để nhân dân có một cái tết vui tươi lành mạnh, an toàn. Có nhiều việc phải làm tốt, liên tục, triển khai ngay từ những ngày đầu năm sau Tết Nguyên đán, không để tình trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi"
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 1/2022, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 có nhiều chuyển biến tích cực: số ca nhiễm và số ca tử vong có xu hướng giảm, trong bối cảnh nước ta đang hoàn tất tiêm chủng vaccine mũi 2 của liều cơ bản và đẩy mạnh mũi tiêm nhắc lại (mũi 3) cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên. Nhờ đó, các hoạt động kinh tế - xã hội dần được phục hồi, các trung tâm, thành phố lớn đã và đang tổ chức lại các hoạt động như du lịch nội địa, du lịch quốc tế, cho trẻ em, học sinh đến trường trở lại.
Đáng chú ý, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 được kiểm soát ở mức phù hợp, tăng 1,94% so cùng kỳ năm 2021. Các cân đối lớn về lương thực, năng lượng được giữ vững, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Ngân sách Nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi, nhất là chi phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ đối tượng chính sách. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tích cực, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 tăng 2,4 % so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2022 đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; đã giải quyết hiệu quả việc xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ phía Bắc. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong các tháng cuối năm.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng chỉ rõ, trong tháng 1, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Ban hành Nghị quyết 01, 02, trong đó xác định chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển"; với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Tiếp tục tập trung xây dựng thể chế; đã tổ chức phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, thảo luận, cho ý kiến đối với 8 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 15 văn bản quy phạm. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt nhiều giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với số ca chuyển nặng, tử vong giảm sâu (tỷ lệ chết/mắc của tháng 01/2022 là 1,1%, giảm hơn một nửa so với tháng 10/2021 (2,4%)) cho thấy rõ hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra và tạo được lòng tin và hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế ngay từ tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, số ca bệnh mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng ở một số địa phương. Có thể tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan, nhất là từ các biến chủng mới. Thủ tướng yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng, chủ động, tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-1 đặc biệt quan tâm một số vấn đề như: Thực hiện hiệu quả Kết luận 25 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung triển khai các chủ trương: Xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; Tăng trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số.
Triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá. Tăng cường công tác dự báo; xây dựng các kịch bản và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh.
Triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường; hoàn thành các mục tiêu được giao hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I.
Tăng cường tự chủ trước hết là về thuốc, vaccine, các loại vật tư thiết yếu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước.
Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các địa bàn diễn biến phức tạp.
Hoàn thiện quy định, quy trình, phác đồ điều trị và tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị F0 phù hợp tình hình mới. Bảo đảm người nhiễm được quản lý, theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp. Sẵn sàng điều động lực lượng, hỗ trợ nhanh, kịp thời các địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức người dân tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và khen thưởng, kỷ luật kịp thời; xử lý nghiêm các vi phạm, chú trọng phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc, các chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, chuỗi sản xuất, hoạt động xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới. Chú trọng công tác bảo đảm đời sống nhân dân , chăm lo người có công, hỗ trợ hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng bảo trợ xã hội, người dân gặp khó khăn do dịch... trong dịp Tết; hỗ trợ các gia đình thiếu đói giáp hạt đầu năm 2022 và bị ảnh hưởng mưa lũ.
Bên cạnh đó Thủ tướng chỉ rõ những khó khăn, thách thức. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan, địa phương duy trì đà phát triển của năm 2021, quyết liệt thực hiện và hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2022 đã được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ, nhân viên trực Tết, kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả mọi công việc, tình huống phát sinh; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không dự các lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi... Tổ chức "Tết trồng cây" thiết thực, hiệu quả, gắn với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để dồn đến cuối năm. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện dự thảo các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý I/2022.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các hoạt động đầu tư, bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu và lưu thông hàng hóa không để đứt gẫy các chuỗi. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thị trường và xử lý có hiệu quả các vướng mắc, phát sinh trong xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là ách tắc hàng nông sản xuất khẩu qua biên giới với Trung Quốc.
Bộ Công Thương chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất giải pháp, hoàn thiện quy định về quản lý thị trường chứng khoán, bảo đảm minh bạch, ngăn ngừa các hành vi trục lợi.
Bộ VHTT&DL chủ trì nghiên cứu kỹ, sớm đề xuất kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế phù hợp tình hình dịch bệnh; đồng thời, tăng cường, truyền thông, quảng bá về “Du lịch Việt Nam an toàn”.
Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, KH&ĐT, Xây dựng, Tư pháp và các cơ quan, địa phương liên quan tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.
Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về mở cửa trường học để đưa học sinh trở lại trường học, gắn với an toàn phòng, chống dịch; tổ chức diễn tập xử lý trường hợp phát sinh ca nhiễm tại trường học, lớp học.
Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; kết nối liên thông dữ liệu với các bộ, ban, ngành; Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết; Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, vấn đề gây bức xúc xã hội.
Chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, kiểm soát hoạt động đi lại của người dân trong dịp Tết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng không tự ý đặt các quy định, yêu cầu riêng trái với quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế; phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ; cùng chung tay chăm lo để mọi người đều có một cái Tết ấm no, hạnh phúc, bù đắp lại những khó khăn, mất mát do dịch bệnh.
Bộ LĐTBXH tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; triển khai các giải pháp phục hồi và ổn định thị trường lao động; có giải pháp xử lý hiệu quả việc bảo đảm nguồn cung lao động sau kỳ nghỉ Tết.
Bộ Y tế, ngoài công tác phòng, chống dịch COVID-18, cần đảm bảo khám, chữa bệnh thường quy; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phát triển nhanh ngành dược, y dược cổ truyền, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Thủ tướng yêu cầu, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội; không để xảy ra điểm nóng về an ninh, trật tự, đặc biệt trong dịp Tết Nhâm Dần. Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh; đồng thời rà soát quy trình cấp thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh theo hướng tạo thuận lợi gắn với phòng, chống dịch COVID-19; Bám sát và chủ động thực hiện hiệu quả các chương trình ngoại giao cấp cao. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền, định hướng dư luận, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tạo đồng thuận, tin tưởng của người dân, doanh nghiệp về chủ trương, chính sách, nhất là về công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH; đấu tranh, phản bác, bóc gỡ thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật, xử lý nghiêm các vi phạm./.