Các dự án chậm tiến độ sẽ công khai để giám sát

Các đại biểu tập trung yêu cầu lãnh đạo Thành phố và các Sở ngành liên quan trả lời 2 nội dung dự án treo và tình trạng thiếu trường mầm non

Ngày 14/7, ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, các đại biểu tập trung yêu cầu lãnh đạo Thành phố và các Sở ngành liên quan trả lời 2 nội dung dự án treo và tình trạng thiếu trường mầm non trên địa bàn Thành phố.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về các vấn đề kiểm tra và xử lý các dự án treo. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết: Hà Nội có 239 dự án đầu tư sử dụng đất chậm triển khai trong 12 tháng, trong đó: gia hạn thời gian thực hiện là 1 năm đối với 30 dự án chậm triển khai 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án được phê duyệt. Đưa 16 dự án khỏi danh sách chậm triển khai; đồng ý gia hạn thời hạn thực hiện dự án đến hết năm 2011 cho 5 dự án; phê bình 9 chủ đầu tư của 9 dự án tiếp tục chậm triển khai và giao các Sở, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra xem xét từng trường hợp cụ thể để đề xuất gia hạn hoặc thu hồi theo quy định của pháp luật.

32 dự án được gia hạn thời gian 6 tháng. Sau 12 tháng gia hạn, 19 dự án đã tiến hành đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư tích cực triển khai sau khi được gia hạn; 1 dự án không triển khai thực hiện giao UBND quận Cầu Giấy lập hồ sơ thu hồi đất; 5 dự án chưa triển khai do một số nguyên nhân khách quan như thay đổi chủ đầu tư, thuộc đối tượng rà soát các đồ án quy hoạch, khó khăn về cơ chế chính sách trong giải phóng mặt bằng; 7 dự án đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra.

UBND TP đã giao Ban chỉ đạo GPMB thông báo đến 177 dự án đã có Quyết định thu hồi đất nhưng chậm triển khai trong công tác GPMB và chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện GPMB trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 1/2/2010.

UBND Thành phố đã chỉ đạo Ban chỉ đạo GPMB Thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB tại các Dự án; Các trường hợp hết thời hạn được gia hạn, nếu chưa triển khai, đề xuất chấm dứt hiệu lực quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

Thu hồi 20 dự án treo

Đối với các dự án vi phạm, Thành phố đã chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi 20 dự án với tổng diện tích 36,4 ha, trong đó đã quyết định thu hồi 14 dự án với tổng diện tích 14,1ha, còn lại 6 dự án Sở Tài nguyên và Môi trường đang lập hồ sơ thu hồi đến tháng 9 sẽ hoàn thành thu hồi.

Trong công tác xử lý vi phạm, UBND các quận, huyện, thị xã đã xác định, đề nghị xử lý 375 tổ chức vi phạm Luật đất đai; Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố đã kiểm tra 102 tổ chức vi phạm Luật đất đai trên địa bàn 16 quận, huyện, trong đó có: 46 tổ chức sử dụng đất tại thời điểm kiểm tra đã chấp hành tốt các quy định của Luật đất đai; 56 tổ chức sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai chủ yếu do để đất hoang hóa, quản lý không tốt nên đã chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi 7 dự án, đến 30/9 sẽ hoàn thành. Các dự án khác sẽ thẩm tra kỹ để có giải pháp, trong đó có 27 đơn vị có những vi phạm đang thanh tra sâu để có kết luận cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên băn khoăn 14 dự án thu hồi với diện tích 14,1ha là quá ít. Vậy trong quá trình kiểm tra, xử lý có khó khăn gì, liệu có phát hiện đúng sai phạm để tham mưu UBND TP? Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng việc các đoàn kiểm tra các dự án chậm tiến độ triển khai hoàn toàn được thực hiện theo pháp luật và chịu trách nhiệm về các quyết định. Hơn nữa, trong quá trình làm việc, các chủ đầu tư và nhân dân cũng đóng vai trò giám sát, nếu phát hiện có sai phạm sẽ tiến hành thanh tra công vụ. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn, tại sao lại có nhiều dự án treo, không sử dụng gây lãng phí thì năng lực và trách nhiệm của các cơ quan thẩm định thế nào? Thành phố căn cứ pháp lý nào để phê bình các chủ đầu tư vi phạm luật ? .

Theo Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, các khâu và quy trình thẩm định đều được thực hiện theo đúng luật và quy trình. Nếu phát hiện sai phạm ở khâu nào, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn về việc gia hạn, đôn đốc các dự án chậm triển khai do quan điểm của Thành phố là không phải kiểm tra để thu hồi mà mục đích là cùng tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng các doanh nghiệp để phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Còn nếu phát hiện có những sai phạm sẽ kiên quyết thu hồi ngay. UBND TP sẽ yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường thống kê và công khai danh sách các dự án vi phạm để nhân dân cùng giám sát.

Rà soát 50 dự án hạ tầng đang triển khai

Về việc hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới chậm đồng bộ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, Thành phố vừa tiến hành kiểm tra đợt 1 ở 7 khu đô thị và đã có các giải pháp để nhà đầu tư đẩy nhanh thủ tục, tiến độ thực hiện. Tại 10 khu đô thị đã đưa vào hoạt động, các khu hạ tầng xã hội đã được đưa vào sử dụng nhưng việc kiểm tra còn chưa thường xuyên và các chủ đầu tư cũng chậm thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư thường tập trung cho các công trình thu hồi vốn nhanh nên các công trình hạ tầng không được quan tâm đúng mức; Việc quản lý khu đô thị còn chưa thường xuyên và hoàn chỉnh; Công tác xã hội hóa triển khai chậm, nhất là với các công trình hạ tầng xã hội; Thành phố chậm ban hành quy định và thiếu các chế tài xử lý...

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết trong tháng 8, Thành phố sẽ rà soát toàn bộ 50 dự án hiện đang triển khai, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai dự án đồng bộ với hạ tầng xã hội, trước mắt trong năm 2012 xong tại 10 khu. Thành phố cũng sẽ ban hành quy định mới phù hợp thực tiễn để quản lý, đầu tư xây dựng các dự án cho đồng bộ; đẩy mạnh việc quy hoạch và duyệt quy hoạch thống nhất, đặc biệt là với 92 dự án chưa triển khai; có hậu kiểm sau cấp phép để sớm xử lý, đảm bảo chất lượng các khu đô thị.

Về hầm đường bộ, cầu vượt cho người đi bộ chưa phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch cho biết, hiện Thành phố có 18 cầu đi bộ và 25 hầm bộ hành.

Với cầu đi bộ, có 6 cầu do Thành phố tự đầu tư, tiếp nhận 12 cầu. Tháng 7 này, sẽ hoàn thành xong việc bàn giao. Những cầu đã khai thác,  đều có duy tu thường xuyên, hàng ngày có bố trí công nhân trực vệ sinh.

Với hầm đường bộ, hiện có 11 hầm thuộc Sở quản lý và tại các hầm này đều có duy tu, quản lý thường xuyên và có công nhân trực bảo vệ, hướng dẫn. Có 5 hầm đã bàn giao nhưng chưa khai thác do các công trình 2 bên đường đang trong giai đoạn hoàn thiện nên nhu cầu của dân còn hạn chế. Có 9 hầm chưa hoàn thiện hạng mục nên chưa chính thức bàn giao.

Phó Chủ tịch khẳng định, việc xây và khai thác các cầu, hầm đường bộ đã đáp ứng nhu cầu dân, ngày càng có nhiều người sử dụng, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Sai sót chất lượng các công trình 1.000 năm Thăng Long chỉ mang tính cục bộ

Cũng trong phiên chất vấn nhiều đại biệu đề nghị trả lời rõ chất lượng các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng đề cập cụ thể đến chất lượng 2 công trình lớn đang gây bức xúc dư luận là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình.

Ông Nguyễn Thế Hùng thừa nhận Bảo tàng Hà Nội đã có một số sự cố đã xảy ra như: tràn nước vào thang máy do một bộ phận ống dẫn nước bị hở, đọng sương trên trần do chế độ điều hành dàn lạnh, mưa dột ở không gian chính do khi đó do đang kiểm tra mái nên chưa đóng cửa thoát gió, gây dột; đường lên xuống ở bảo tàng có điểm bị vỡ, bong, rộp… tuy nhiên tất cả các trục trặc đã được khắc phục

Tương tự, những sự cố tại Công viên Hòa Bình như đá lát sân bong, rộp, chân bệ, biển tên, tường rào lún nứt, đọng nước tại 1 số vị trí cục bộ… đều đã và đang được khắc phục.

Theo ông Hùng nguyên nhân của sự cố là do tiến độ thực hiện các công trình quá gấp rút nên không tránh khỏi sai sót. Cả hai công trình trên đều đang trong giai đoạn bảo hành sau bàn giao nên trách nhiệm sửa chữa, khắc phục sẽ thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu.

Ông Hùng cho biết, Thành phố nhận thức rất rõ mong muốn của nhân dân về chất lượng các công trình là đúng đắn những sai sót là điều không mong muốn và chỉ mang tính cục bộ. Những sai phạm đến đâu sẽ kiên quyết xử lý đến đó

Cũng theo ông Hùng, việc cải tạo Công viên Thống nhất, việc cải tạo đã đáp ứng được yêu cầu và chất lượng nhưng khâu quản lý và khai thác chưa chặt chẽ nên để xảy ra tình trạng vật liệu, phế thải để bừa bãi…

Cũng trong phiên chất vấn, vấn đề tình trạng thiếu trường mầm non trên địa bàn thành phố cũng được các đại biểu đặt ra. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc giải trình: Thành phố hiện có 837 trường mầm non, phân bổ tương đối đều ở 29 quận, huyện, thị xã, 557 xã phường, thị trấn; trong đó có 683 trường mầm non công lập, chiếm 81,6%; Ngoài công lập là 154 trường, chiếm 18,4%. Có 12.046 nhóm, lớp; thu hút 374.082 trẻ, đạt 64,6% trẻ mầm non trong độ tuổi; Riêng trẻ mầm non 5 tuổi là 104.407 trẻ, đạt 100% trẻ trong độ tuổi. Trẻ em học các trường mầm non công lập là 319.890 trẻ, chiếm 85,5%.

So với năm học trước: Số trường mầm non công lập tăng 16 trường; số trẻ ra lớp tăng 40.510 trẻ, trong đó trẻ học tại các trường mầm non công lập tăng 17.835 trẻ, tăng 16,7%;  Trẻ 5 tuổi tăng 4.227 trẻ; Trẻ 3-4 tuổi tăng 26.500 trẻ - tăng 7%. Theo số liệu thống kê năm học 2010-2011, bình quân toàn thành phố là 29,27 cháu/lớp, trong đó công lập 32,66 cháu/lớp, đảm bảo đúng theo điều lệ trường mầm non.

Hà Nội hiện có 21 khu đô thị có dân cư ở và 4 phường mới thành lập còn chưa đủ trường học. Riêng bậc học mầm non hiện có 13 trường, trong đó: công lập có 4 trường, hiệp quản có 2 trường mầm non (quân đội quản lý), tư thục có 7 trường. Theo quy định mỗi xã phường, thị trấn, khu đô thị có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Nguyên nhân sự quá tải ở trường mầm non tại một số quận nội thành, khu đô thị mới.

Một số quận nội thành, hoặc trường thuộc khu vực quá đông dân cư thì bình quân cháu/nhóm lớp mầm non quá cao: Quận Ba Đình có bình quân 50,30 cháu/nhóm lớp công lập; Quận Đống Đa có bình quân 46,98 cháu/nhóm lớp công lập; Quận Hai Bà Trưng có bình quân 46,47 cháu/nhóm lớp công lập…

Nhận xét về phần trả lời chất vấn tại hội trường, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng các đại biểu đã trả lời nghiêm túc các nội dung đại biểu quan tâm, trong đó có đề xuất các giải pháp thực hiện. Chủ tịch HĐND TP cũng bày tỏ vui mừng phiên chất vấn đã thể hiện trách nhiệm và sự dân chủ trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên