Cách mạng Tháng Tám và cuộc vận động vua Bảo Đại thoái vị 79 năm trước

VOV.VN - Với lòng yêu nước, nhận thức đúng đắn cùng hành động khéo léo, Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe đã góp phần không nhỏ vào việc vận động vua Bảo Đại thoái vị và thúc đẩy sự sụp đổ của nền quân chủ nhà Nguyễn trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cuộc vận động vua Bảo Đại thoái vị

Trong những ngày tháng lịch sử của Cách mạng tháng Tám cách đây 79 năm, Mặt trận Việt Minh Thừa Thiên Huế không chỉ gấp rút triển khai nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân nổi dậy mà còn coi trọng nhiệm vụ vận động vua Bảo Đại chấp nhận thoái vị, trao trả chính quyền cho nhân dân.

Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế đã cử ông Tôn Quang Phiệt liên hệ với nhà vua thông qua Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe - người có tư tưởng yêu nước và tiến bộ, thường xuyên gặp gỡ các nhà cách mạng, cũng như trực tiếp làm việc bên cạnh vua Bảo Đại.

Trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, ông Phạm Khắc Hoè nhớ lại: “Chia tay anh Phiệt (ông Tôn Quang Phiệt), về đến nhà, tôi liền đi lục soạn mấy cuốn sách lịch sử ra để hiểu rõ hơn những trường hợp của vua Louis XVI nước Pháp, Vua Nikolai II nước Nga và cả các vị vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc của Nguyễn Triều…Sau ba ngày đọc sách ôn lại những chuyện cũ và nghe ngóng tìm hiểu tình hình mới trước mắt, tôi thấy mình có đủ lý do làm cho Bảo Đại thấy cần phải thoái vị”.

Trái ngược với đa số cận thần khuyên vua Bảo Đại nên dựa vào Nhật - Pháp, ông Phạm Khắc Hoè đã tranh thủ những lần tiếp xúc để phân tích cho vua thấy thất bại của phát xít Nhật trên thế giới và thắng lợi tất yếu của Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc.

“Chiều hôm ấy (12/8/1945), tôi lên đưa cho Bảo Đại phê chuẩn dự thảo đạo Dụ đổi nội các từ chức thành nội các lâm thời, theo như đề nghị của Trần Trọng Kim. Nhân dịp, tôi nêu lên với Bảo Đại một câu hỏi lửng lơ:

- Chúng tôi không hiểu tại sao không một ai hưởng ứng lời mời của ông Kim về việc thành lập nội các mới cả? Không biết ông ấy có tâu đối chi với Ngài về vấn đề ấy không?

- Theo ông Kim cho biết thì những người ông ta mời đều rất cách mạng, rất tả. Có lẽ điều đó không vừa lòng người Nhật nên họ đã chặn điện lại.

- Tâu, nhưng hai người được mời có mặt ở Huế là ông Tôn Quang Phiệt và ông Bùi Công Trừng cũng đều từ chối cả.

- Thế ông Phiệt có cho ông biết vì sao ông ta từ chối không?

- Tâu. Theo ý ông Phiệt thì trên thế giới Nhật sắp thua đến nơi rồi. Còn trong nước thì khí thế cách mạng của quần chúng mỗi giờ mỗi lên cao, bão táp cách mạng nhất định sẽ nổi lên nay mai.

Thấy Bảo Đại đổi sắc mặt, tỏ vẻ lo âu, tôi bèn nhắc lại cuộc cách mạng Pháp năm 1789 với số phận bi đát của vua Louis XVI, rồi tôi hạ giọng nói một cách nhẹ nhàng cảm động ‘có lẽ Ngài không nên chờ nước đến chân mới nhảy’”.

Nhưng sau cuộc trò chuyện trên, vua Bảo Đại vẫn có ý trông cậy vào quân đội Nhật mong giữ ngai vàng. Điều này khiến ông Phạm Khắc Hoè cảnh giác, tìm cách vận động để đưa vấn đề toàn thể nội các và nhà vua rút lui nhường hẳn quyền lại cho Việt Minh trong cuộc họp nội các ngày 17/8/1945.

Ông Phạm Khắc Hoè còn soạn dự thảo “Chiếu động viên quốc dân” với 3 ý gồm: đoạn một khẳng định tư cách và ý chí của dân tộc ta quyết tâm giữ vững nền độc lập; đoạn hai kêu gọi mọi người ái quốc ra phò vua, giúp nước; đoạn ba có nội dung then chốt “Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh giống như Trẫm”.

“Buổi chiều (17/8/1945), đúng 4 giờ, tôi đưa bản dự thảo Chiếu động viên quốc dân vào lấy chữ ký của Bảo Đại thì ông ta không ký ngay như mọi lần mà miệng cứ lắp bắp đọc đi đọc lại câu ‘Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm Vua một nước nô lệ’. Tôi đâm ra lo…Nhưng cuối cùng Bảo Đại nhún vai một cái nhẹ nhẹ rồi ký bản Chiếu, trao lại cho tôi.

Tôi vô cùng vui mừng phấn khởi. Vì như thế là cuộc vận động thoái vị đã tiến được một bước rất dài, chắc chắn sẽ thành công”.

Những giờ phút lịch sử ở Huế

Dù đã ký vào bản Chiếu động viên quốc dân, Bảo Đại vẫn thắc mắc không biết lãnh tụ Việt Minh là ai, có đồng ý giữ chính thể quân chủ không? Ông Phạm Khắc Hoè đã từng bước giải thích cho Bảo Đại về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của Việt Minh cũng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, khéo léo khuyên vua chấp nhận thoái vị.

“Khi được nhà Vua hứa sẵn sàng thoái vị tất cả niềm vui sướng của tôi đều lắng xuống trong tim, trong óc thành một nguồn suy nghĩ tập trung, nó đã đưa tôi đến thảo được một bản Chiếu thoái vị chứa đựng tất cả tình cảm, nguyện hoài bão của tôi đối với thời cuộc lúc đó. Công việc say sưa thích thú này bắt đầu từ chiều 20 tháng 8 và được hoàn thành trong đêm đó…

Trong khi đó thì không khí khởi nghĩa tưng bừng khắp Huế; nhà nào cũng nhộn nhịp may cờ, dán cờ, viết khẩu hiệu: các đoàn thanh niên nam nữ mang gậy gộc, giáo, mác bắt đầu từ nông thôn kéo về thành phố: thanh niên tiền tuyến, bảo an binh và cả lính hộ Thành đều đã ngả theo cách mạng. Huế là một thành phố nhiều người đeo bài ngà nhất trong toàn cõi Việt Nam, mà từ ngày 22 tháng 8, tuyệt đối không thấy một người nào đeo bài ngà đi ngoài phố nữa”.

Soạn xong Chiếu thoái vị, ông Phạm Khắc Hoè đảm nhận vai trò người liên lạc giữa nhà vua và chính quyền Cách mạng. Tới ngày 30/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại được tổ chức ở Ngọ Môn.

Ông Phạm Khắc Hoè hồi tưởng sự kiện lịch sử ấy: "Bảo Đại đọc tờ Chiếu thoái vị một cách xúc động có khi tắt cả tiếng. Bảo Đại đọc xong thì trên kỳ đài cờ vàng của nhà Vua từ từ hạ xuống và lá cờ nên đỏ thắm tươi long lanh năm cánh sao vàng được kéo lên giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô như sấm cắt ngang bởi 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh.

Tiếng súng lệnh chấm dứt. Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ chiếc quốc ấn bằng vàng nặng gần mười kilôgam và chiếc quốc kiếm để trong vỏ vàng nạm ngọc. Rồi ông Trần Huy Liệu đọc bản tuyên bố của Đoàn đại biểu Chính phủ, nêu rõ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của hàng mấy chục năm tranh đấu anh dũng, kiên cường, bền bỉ, của nhân dân cả nước, tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ và nhấn mạnh chính sách của Chính thể dân chủ cộng hoà là đoàn kết mọi tầng lớp quốc dân để giữ nước và dựng nước.

Lắng nghe bản tuyên bố của Đoàn đại biểu Chính phủ xong, mấy vạn đồng bào lại vỗ tay và hô khẩu hiệu vang lên cả một góc trời: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm!”.

Cuối cùng, theo đề nghị của Bảo Đại, Đoàn đại biểu Chính phủ tặng ông ta một huy hiệu Cờ đỏ sao vàng. Ông Nguyễn Lương Bằng cài huy hiệu lên ngực Bảo Đại, từ nay trở thành người công dân Vĩnh Thuỵ, đồng thời ông Cù Huy Cận công bố điều ấy cho đồng bào biết và đề nghị đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thuỵ”.

Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, ông Phạm Khắc Hòe đi theo cách mạng, được Đảng, Bác Hồ giao nhiều trọng trách khác nhau. Ông Phạm Khắc Hòe đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội đã hồi sinh mạnh mẽ trong Cách mạng tháng Tám
Hà Nội đã hồi sinh mạnh mẽ trong Cách mạng tháng Tám

VOV.VN - Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hà Nội đã hồi sinh mạnh mẽ trong Cách mạng tháng Tám. Ông viết: "Sức hồi sinh của cách mạng thật lạ thường".

Hà Nội đã hồi sinh mạnh mẽ trong Cách mạng tháng Tám

Hà Nội đã hồi sinh mạnh mẽ trong Cách mạng tháng Tám

VOV.VN - Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hà Nội đã hồi sinh mạnh mẽ trong Cách mạng tháng Tám. Ông viết: "Sức hồi sinh của cách mạng thật lạ thường".

Cách mạng tháng Tám - Cuộc cách mạng của lòng dân
Cách mạng tháng Tám - Cuộc cách mạng của lòng dân

VOV.VN - Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết đã làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng tháng Tám và tiếp tục đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, lập nhiều kỳ tích mới trong công cuộc phát triển và dựng xây đất nước.

Cách mạng tháng Tám - Cuộc cách mạng của lòng dân

Cách mạng tháng Tám - Cuộc cách mạng của lòng dân

VOV.VN - Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết đã làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng tháng Tám và tiếp tục đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, lập nhiều kỳ tích mới trong công cuộc phát triển và dựng xây đất nước.

Bài học từ Cách mạng Tháng Tám 1945: Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân
Bài học từ Cách mạng Tháng Tám 1945: Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân

VOV.VN - Những bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong cuộc Cách mạng Tháng Tám sẽ mãi còn nguyên giá trị để chúng ta huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển, vì cuộc sống ấm no, tư do, hạnh phúc.

Bài học từ Cách mạng Tháng Tám 1945: Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân

Bài học từ Cách mạng Tháng Tám 1945: Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân

VOV.VN - Những bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong cuộc Cách mạng Tháng Tám sẽ mãi còn nguyên giá trị để chúng ta huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển, vì cuộc sống ấm no, tư do, hạnh phúc.