Cải cách hành chính để phục vụ nhân dân

Với chương trình tổng thể, lần đầu tiên trong quá trình cải cách, Chính phủ có một chương trình có tính chiến lược, dài hạn

Sáng 5/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Với chương trình tổng thể, lần đầu tiên trong quá trình cải cách, Chính phủ có một chương trình có tính chiến lược, dài hạn, xác định rõ 4 lĩnh vực cải cách là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công, định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách và xác định các giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm thắng lợi công cuộc cải cách.

Chương trình là công cụ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cải cách hành chính nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân, phát triển đất nước. Cải cách hành chính để xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình, thủ tục hành chính trên những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, hải quan, thuế... đã được rà soát, sửa đổi nhiều. Một loạt thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa và thuận lợi hơn như: về đăng ký kết hôn, khai sinh, xác nhận hộ nghèo, thành phần dân tộc, cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp hộ chiếu phổ thông, chứng thực, đăng ký kinh doanh.

Thực hiện Đề án 30, đến nay đã có hơn 5.500 thủ tục hành chính được rà soát; trong đó, có 453 thủ tục hành chính được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ, 3.749 thủ tục hành chính được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...

Tuy nhiên, theo các đại biểu, tốc độ cải cách hành chính còn chậm, kết quả chưa đạt được so với mục tiêu chung đặt ra là “đến năm 2010 xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại” chưa tương xứng với yêu cầu, quy mô đổi mới toàn diện theo tinh thần nghị quyết của Đảng như: hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, vẫn còn sự chồng chéo; chưa xây dựng được cơ cấu cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính; cải cách hành chính công thực hiện mới chỉ là bước đầu, kết quả đạt được còn hạn chế.

Trong cải cách hành chính công, Bộ Trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thời gian tới chúng ta cần làm tốt hơn nữa chỉ đạo luật ngân sách, Nghị định 43 khi mà thời gian qua chưa đạt kết quả tốt, nhiều đơn vị sự nghiệp còn lúng túng nhất là xã hội hóa để làm các dịch vụ công...

Theo các đại biểu, để cải cách hành chính đạt được mục tiêu, yêu cầu, cần tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai cải cách hành chính từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương; nâng cao năng lực, trình độ và có chế độ chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về cải cách hành chính các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai cải cách hành chính. Đặc biệt phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền  về cải cách hành chính./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên