Cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là việc tăng lương
VOV.VN - Cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là việc tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà là thay đổi cách tính lương cho người lao động.
Giữ chân nhân tài trong khu vực công
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Chính sách tiền lương mới sẽ được cải cách theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới.
Trao đổi với PV VOV.VN, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, cải cách tiền lương hướng tới đảm bảo mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ công chức viên chức.
Nêu ý kiến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề xuất tiền lương phải đánh giá đúng, công bằng, tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu; tính đến phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp và xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp, với mức tiền lương tương đương của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Ông Lợi khẳng định, đây là tư duy mới và cũng thể hiện được bản chất của cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
“Khi cải cách tiền lương, chúng ta sẽ có bảng lương của chức vụ lãnh đạo và một bảng lương chuyên môn nghiệp vụ. Chuyên gia cao cấp là những người có năng lực, trình độ chuyên môn đặc biệt trong ngành và lĩnh vực công tác. Những chuyên gia cao cấp có thể có mức lương cao, thậm chí lương tương đương với Thứ trưởng và Bộ trưởng, để khuyến khích người có trình độ chuyên môn”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội trao đổi.
Ông Lợi ủng hộ việc xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp là những người có tài năng, có năng lực, đi sâu nghiên cứu mà không nhất thiết phải phấn đấu trở thành người quản lý. Bảng lương xứng đáng cho đội ngũ chuyên gia cao cấp sẽ khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn và yên tâm công tác hơn.
“Mục tiêu là chúng ta thu hút nhân tài và tranh thủ năng lực của những người có trình độ chuyên môn cao để đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Vấn đề là phải đánh giá đúng năng lực chất lượng, trình độ chuyên môn hay nói cách khác chuyên gia đầu ngành không thể được công bố một cách tràn lan”, ông Lợi nói.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, trong năm 2024, cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, để tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương.
Ý nghĩa của việc thay đổi cách tính lương
Nói về ý nghĩa của việc cải cách tiền lương, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: “Về cơ bản, lương của công chức, viên chức đều được tăng lên”.
Theo nữ đại biểu đoàn Hải Dương, cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là việc tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà là thay đổi cách tính lương cho người lao động. Cụ thể, cách tính lương mới theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương đang áp dụng (tính lương theo hệ số, lương tăng dần theo số năm công tác…). Đồng thời, sẽ có sự công bằng, hợp lý hơn khi cùng một vị trí việc làm sẽ được hưởng mức lương như nhau; tách tiền công của bộ phận làm công việc phục vụ (lái xe, nhân viên phụ trách điện nước, lao công, tạp vụ...) ra khỏi thang bảng lương của hệ thống công chức, viên chức.
Tất cả mọi chi phí như phụ cấp, các chế độ họp, khoán công tác phí... đều được tính vào lương, rất rõ ràng, rành mạch. Bên cạnh đó, với việc cải cách tiền lương có dành một số phần trăm nhất định từ quỹ lương cho công tác khen thưởng những người có thành tích, nỗ lực, chất lượng làm việc tốt...
“Điều này sẽ tránh được cào bằng khi hưởng lương từ ngân sách, động viên kịp thời người lao động và khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, nữ đại biểu nói.
Bà Nga cũng chỉ ra vấn đề “chảy máu chất xám” có những nguyên nhân cơ bản là do tiền lương quá thấp, tỉ lệ nghịch với những áp lực công việc nên rất khó thu hút nhân lực, khó giữ chân người có năng lực. Cải cách tiền lương mang ý nghĩa nhân văn, không những đảm bảo đời sống cho người lao động, tạo sự công bằng hơn trong chi trả lương mà còn có ý nghĩa then chốt với việc nỗ lực nâng cao năng suất lao động khu vực công.
“Nhìn rộng ở khu vực công hiện nay, mức lương của người lao động còn rất khiêm tốn so với mặt bằng cuộc sống. Với sự biến động rất mạnh mẽ của tình hình kinh tế thế giới theo xu hướng khủng hoảng toàn cầu thì mức lương hiện tại của công chức viên chức là điểm nghẽn cho việc thu hút người tài làm việc cho khu vực công”, đại biểu Nga nhấn mạnh.