Cảm xúc tháng 10 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử

Mỗi người đều có những cảm xúc, những kỷ niệm riêng khó quên, nhưng tất cả đều có chung niềm tự hào khi được tham gia vào một sự kiện văn hóa chính trị lớn có ý nghĩa của Thủ đô và đất nước - Lễ diễu binh, diễu hành.  

>> Cụ Rùa lại nổi đúng ngày 10/10

Ngày 10/10 – ngày cuối cùng của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng là ngày được trông đợi nhất, chứa đựng nhiều cảm xúc nhất để khép lại một Đại lễ thực sự ấn tượng. Gần 31.000 người tham gia vào khối diễu binh, diễu hành trong Lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình.

Mô hình Quốc huy được đặt trên hình tượng rồng thiêng đang cất mình bay lên (Ảnh: Quang Trung)

Cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia diễn ra trong tiết trời thu dịu nhẹ, trong khung cảnh đất trời giao hoà với lòng người như làm rạo rực hơn niềm tự hào trong mỗi người dân Thủ đô và cả nước.

Hàng vạn người dân từ già đến trẻ đổ ra đường náo nức chào đón và cổ vũ đoàn diễu binh, diễu hành qua các tuyến phố Hà Nội, nhiều người đã hồi tưởng không khí hùng tráng của đoàn công, nông, binh ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Hình ảnh Diễu binh mừng Đại lễ

Là một người tham gia diễu hành ở Khối Phụ nữ, bác Lưu Thị Phương, ở phố Bạch Mai như được sống lại cảm giác của ngày lịch sử ấy – ngày “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về…” của 56 năm trước. Chỉ khác là ngày ấy cô bé Phương 8 tuổi được mẹ đưa đi đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, còn bây giờ bà vinh dự là người được tham gia đoàn diễu binh, diễu hành của một Thành phố vì hòa bình, một dân tộc yêu hòa bình mừng Thủ đô tròn 1000 năm tuổi.

Bác Lưu Thị Phương nhớ lại: “Tôi là người Hà Nội nên giờ phút tiếp quản Thủ đô tôi được chứng kiến không khí náo nhiệt và tưng bừng. Dân mở tung hết cửa, phất cờ hoa, mặc rất đẹp ra đón rồi ríu rít bắt tay bộ đội”.

Để có được buổi lễ diễu binh, diễu hành trang trọng và thành công như hôm nay, mỗi người tham gia đều phải trải qua nhiều ngày luyện tập vất vả. Với cô nữ dân quân tự vệ Phạm Thanh Phương, quê ở Thái Bình, mặc dù phải tập luyện trong thời tiết nắng nóng nhưng luôn cảm thấy niềm vui và tự hào.

Phương tâm sự, không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng chỉ vài tháng gắn bó với Hà Nội trong dịp Đại lễ, cô đã yêu nét trầm mặc của phố cổ, yêu những con đường rực rỡ đèn hoa, yêu những đêm Hồ Gươm lung linh huyền ảo…

Phạm Thanh Phương cho biết, thời gian luyện tập đã cho cô thấy sự cố gắng của mọi người, dù trời nắng hay mưa thì mọi người vẫn cố gắng rèn luyện vì ý thức được ý nghĩa lớn lao của ngày trọng đại.

Ngọn đuốc được rước từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Bác Hồ và thắp lên Đài lửa trước Quảng trường Ba Đình, đã thắp lên trong tâm hồn mỗi người ngọn lửa tình yêu và niềm tự hào dành cho Thủ đô và đất nước; khơi dậy sức mạnh dân tộc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Là thành viên trong đoàn rước đuốc đó, đối với anh Lường Văn Dũng, quê ở Thanh Hóa, một vận động viên tiểu biểu, chẳng biết nói gì hơn ngoài niềm hạnh phúc và tự hào. Anh tâm sự, cũng như mọi công dân Việt Nam yêu nước, khó khăn nào cũng có thể vượt qua khi trong lòng mình cảm thấy có đuốc lửa!

Đối với mỗi người, được tham gia diễu hành trong ngày Đại lễ luôn là niềm vinh dự, tự hào lớn lao (Ảnh: Quang Trung)

Còn với bạn Nguyễn Thị Mai, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, tham gia trong Khối đứng tại Quảng trường Ba Đình thì tình yêu của một người con Hà Nội được thể hiện bằng quyết tâm học tập để góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Mai chia sẻ, đối với người Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, được tham gia Lễ diễu binh, diễu hành luôn là một niềm vinh dự lớn. Mai hứa “sẽ cố gắng phấn đấu học tập thật tốt, sống thật tốt để hoàn thiện mình hơn, để xứng đáng là một người con của Hà Nội”.

“Như đang trong giấc mơ”, "vô cùng xúc động mỗi lần đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh"... là những cảm xúc rất dễ nhận thấy ở những người tham gia diễu binh, diễu hành trong ngày Đại lễ 10/10. Đó chính là tình yêu, lòng tự hào mà mỗi người dân dành cho mảnh đất Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên