Cán bộ hưởng lương ngân sách có nghĩa vụ phải công khai tài sản
VOV.VN - Đã là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách thì nghĩa vụ phải công khai, còn nếu không kê khai thì buộc họ phải từ bỏ công chức.
Những ngày qua, dư luận nhân dân rất quan tâm đến việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình bà sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Tuy Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng về việc có kê khai tài sản của bà Thoa. Nhưng dư luận cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh khối tài sản khủng đó.
Cũng từ câu chuyện này, một vấn đề đang được đặt ra, đó là nên hay không nên công khai tài sản của cán bộ, đảng viên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi, giám sát?
Công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là một trong những giải pháp cơ bản, mấu chốt để phòng chống tham nhũng hiệu quả. Nhưng do kê khai mà không công khai nên chỉ mang tính hình thức. Vì không công khai nên tính trung thực của các bản kê khai đó đến đâu thì chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nào chủ động trong việc xác minh. Vì lẽ đó, trên thực tế, việc phát hiện sai phạm của cán bộ đảng viên trong kê khai tài sản không đúng là rất ít.
Đơn cử như năm 2014, có hơn 1 triệu cán bộ, công chức thực hiện kê khai tài sản và chỉ có 5 người bị cơ quan chức năng kết luận là không trung thực. Ngoài ra, số lượng các cán bộ, công chức, đảng viên phải kê khai thu nhập và tài sản quá nhiều cũng là nguyên nhân làm cho toàn bộ hệ thống kê khai tài sản khó xử lý.
Ông Nguyễn Túc (Ảnh: Minh Châm) |
“Thực hiện kê khai tài sản cần phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể cần phải phân loại cán bộ đảng viên cần phải kê khai; tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, cũng như những đối tượng dễ vi phạm”, ông Nguyễn Túc đề nghị.
Ông Bùi Văn Xuyền (Ảnh: Ngọc Thành) |
“Tôi cho rằng việc công bố tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông và thông tin trên mạng là để giám sát tiền thuế của dân. Đã là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách thì nghĩa vụ của họ là phải công khai, còn nếu không kê khai thì buộc họ phải từ bỏ công chức. Ngoài ra, cần phải kê khai, kiểm tra tài sản của cả người thân của người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền như bố mẹ, con cái của họ, để tránh việc tẩu tán tài sản cho người khác”, ông Bùi Văn Xuyền nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn, đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho rằng, cần có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính và có đủ thẩm quyền, nguồn lực để quản lý, xác minh tính trung thực của các bản kê khai tài sản, đồng thời tạo điều kiện sử dụng thông tin kê khai nhằm phát hiện nguy cơ tham nhũng.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, việc thẩm tra, xác minh tài sản đối với một số đối tượng là công việc thường xuyên và nên giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm về việc đó. Tất nhiên không phải tất cả những người trong phạm vi kê khai đều phải thẩm tra, xác minh thường xuyên nhưng phải đưa một số đối tượng vào diện đó, đặc biệt là những đối tượng nằm trong phạm vi được quản lý để bổ nhiệm cân nhắc vào các vị trí. Còn các đối tượng khác, khi có biểu hiện bất thường về tài sản hoặc có những biểu hiện khác thì tiến hành thẩm tra, xác minh.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, cũng nêu rõ tình trạng tham nhũng, tham quyền lực, tư duy nhiệm kì, lợi ích nhóm… là một trong những biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống. Bởi vậy, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên qua vấn đề kê khai tài sản, thu nhập cần được xem là một trong những giải pháp quan trọng để làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân./.
Kê khai tài sản cán bộ: Đừng trông chờ sự "tự giác"!