Cán bộ tổ chức xây dựng Đảng phải chuyên nghiệp
VOV.VN - Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, để thực hiện được tốt tất cả các nghị quyết, kết luận, các văn bản của Đảng liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng phải nghiên cứu sâu tất cả các chủ trương, các quy định của Đảng, nếu không nghiên cứu sâu, đầy đủ thì không thể tham mưu tốt được.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; Vụ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức, cán bộ các ban, bộ, ngành đoàn thể cơ quan Trung ương chiều 28/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, vì là năm bản lề nên sự quyết tâm cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn. Đối với KT-XH phải tiếp tục bảo đảm kinh tế vĩ mô, tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đối ngoại nâng cao đời sống nhân dân.
Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường chuyển đổi số quốc gia, hướng đến mục tiêu tỷ lệ của kinh tế số trong GDP của Việt Nam. “Đây là mục tiêu cần đặc biệt quan tâm, giúp chúng ta có thể đi nhanh hơn, đi kịp thời hơn và đi vào hiện đại tốt hơn”, bà Mai nhấn mạnh.
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, bà Mai cho biết, trong năm 2003 sẽ tổ chức để lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, sẽ quy hoạch cán bộ cấp chiến lược để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới và phải tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương 6. Ngoài ra phải tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình gắn với kiểm soát quyền lực siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Ngoài những yêu cầu trên, Ban Tổ chức Trung ương còn được giao 15 nhiệm vụ trọng tâm, cùng các nhiệm vụ thường xuyên, công tác kiểm tra giám sát.
Thông tin tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng cho biết, một nhiệm vụ quan trọng là dự kiến tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng vào tháng 10/2024 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Dự kiến đầu năm 2023, Ban Tổ chức Trung ương sẽ đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Điều lệ Đảng.
Về một số vấn đề quan tâm, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh để thực hiện được tốt tất cả các nghị quyết, kết luận, các văn bản của Đảng liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, tất cả các ban tổ chức, các cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng phải nghiên cứu sâu tất cả các chủ trương, các quy định của Đảng, nếu không nghiên cứu sâu, đầy đủ anh không thể làm tham mưu tốt được. Yêu cầu này không chỉ ở địa phương, đơn vị mà ở Ban Tổ chức Trung ương, chúng tôi cũng yêu cầu rất cao, người phụ trách việc mà hỏi trả lời được ngay, không lúng túng, cán bộ phải chuyên nghiệp tới mức đó mới gọi là cán bộ tổ chức xây dựng Đảng.
Trước đó, phát biểu đề dẫn Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, năm 2022, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã có nhiều nỗ lực tham mưu hoàn thành tốt chương trình công tác năm, các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược. Hoàn thành 19/19 đề án trong Chương trình (gồm 2 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 10 đề án trình Bộ Chính trị, 7 đề án trình Ban Bí thư), bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Ban Tổ chức Trung ương với các địa phương, cơ quan, đơn vị được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong năm, Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nhất là Bộ Nội vụ, hoàn thiện nội dung trao đổi, giải đáp 281 đề xuất, kiến nghị về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Một số hạn chế, bất cập còn tồn tại như công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời nghiên cứu, có giải pháp phù hợp. Công tác phối hợp thẩm định hồ sơ nhân sự diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư có lúc chậm… Những hạn chế, bất cập trên là do công tác tổ chức xây dựng Đảng bước vào giai đoạn mới, yêu cầu cao, khối lượng lớn, một số vấn đề phát sinh phức tạp. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ chủ trương, yêu cầu của Đảng.
Theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, từ thực tiễn công tác năm 2022, có thể rút ra một số kinh nghiệm cụ thể, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp giao; bám sát chương trình công tác của Ban Tổ chức Trung ương…; nêu cao nhận thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tạo sự đồng bộ trong triển khai, thực hiện. Chú trọng công tác thể chế hóa, cụ thể hóa, đảm bảo thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các cấp ủy, tổ chức Đảng…/.