Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cần làm rõ trách nhiệm thông tin, quảng cáo hàng hóa sai sự thật

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các đại biểu Quốc hội nhất trí việc Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chiều 29/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo, đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó,  để có thêm cơ sở cho việc chỉnh lý Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo ý kiến của UBTVQH và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật sau khi chỉnh sửa gồm 6 Chương, 51 Điều, giảm 3 Chương và 14 Điều so với Dự thảo trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến vào 4 nhóm vấn đề: Quy định về hợp đồng giao tiếp với người tiêu dùng; Xác định địa vị pháp lý quyền và trách nhiệm tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quy định giải quyết tranh chấp tại tòa án; Quy định trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước cần có can thiệp, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thảo luận về những vấn đề này, các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản nhất trí với giải trình của UBTVQH. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng Dự thảo Luật quy định chưa rõ, chưa cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), Dương Kim Anh (Trà Vinh), Bùi Thị Lệ Phi (TP Cần Thơ) nêu ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm và nội dung cung cấp thông tin, quảng cáo về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm của tổ chức cá nhân đối với sản phẩm có khuyết tật và trách nhiệm bảo hành hàng hóa.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé: Dự án Luật chưa có điều khoản quy định về quảng cáo, trong khi thực tế quảng cáo sai quy định gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Nhiều người dân tin vào quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức quảng cáo khác nhau và gánh hậu quả tiền mất, tật mang. Như vậy, ai bảo vệ quyền lợi cho họ. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu đưa vào Luật một số điều khoản quy định về vấn đề này, để các tổ chức cá nhân tham gia quảng cáo có trách nhiệm.

Về vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, khi người dân bị ảnh hưởng về quyền lợi thì có những tổ chức xã hội không thể giải quyết được vấn đề. Đại biểu đề nghị cần quy định thêm vai trò trách nhiệm của các tô chức chính trị - xã hội tham gia bảo vệ của người tiêu dùng.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại biểu Quốc hội nhất trí việc Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) và một số đại biểu khác cho rằng, để tránh việc phân công, phân cấp trách nhiệm không rõ ràng giữa các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, người tiêu dùng không biết tìm đến cơ quan nào, đến ai để giải quyết vụ việc. Vì vậy đề nghị Luật cần quy định rõ trách nhiệm từng Bộ, UBND các cấp trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về quyền của người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) nêu ý kiến, nội dung còn trùng lặp, chưa rõ ràng đầy đủ, cụ thể tại khoản 6 Điều 8 quy định quyền được cung cấp thông tin hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Theo đại biểu, quyền được cung cấp thông tin được ghi tại khoản 2 điều này để tiện theo dõi và thi hành; thứ hai là quyền được hướng dẫn thông tin kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ quy định chưa rõ ràng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, nên quy định là quyền được giáo dục về kiến thức, kỹ năng, nghĩa vụ và vai trò của người tiêu dùng để giúp họ trở thành người tiêu dùng khôn ngoan, tự tin trong giao dịch với nhà sản xuất, kinh doanh biết tự bảo vệ mình. Đồng thời khắc phục tình trạng người tiêu dùng bị xâm hại khi không có khả năng tiềm lực kinh tế hay khả năng tranh tụng tại tòa xảy ra thời gian qua.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến thêm về các vấn đề hợp đồng giao tiếp với người tiêu dùng; cơ chế và hình thức giải quyết tranh chấp giữ người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh... cũng như làm rõ thêm những quy định của Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Ngày 30 và 31/10, Quốc hội nghỉ làm việc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên