Cần làm rõ ưu thế bản chất của HTX
Theo đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình), cần làm rõ ưu thế bản chất kinh tế HTX, đây là vấn đề cốt lõi để xây dựng, đổi mới Luật nhằm xây dựng chính sách với HTX
Chiều 25/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 85 Điều.
5 nhóm vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại phiên họp này là: Phạm vi điều chỉnh; Hiểu thế nào cho đúng về Luật Hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX trong nền kinh tế thị trường; Tổ chức phạm vi hoạt động, phương thức hoạt động; Phân phối lợi nhuận và tài sản không chia của HTX; Quản lý Nhà nước.với HTX.
Theo đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cần làm rõ ưu thế bản chất kinh tế HTX đây là vấn đề cốt lõi để xây dựng đổi mới Luật để tổ chức xây dựng chính sách với HTX, chống lợi dụng chính sách HTX, đặc biệt để tạo thuận lợi cho kinh tế HTX ngày càng phát triển tốt hơn. Tờ trình lần này vẫn chưa xác định đúng bản chất kinh tế của Dự thảo Luật HTX, chưa sát thực tiễn, nhất là những khái niệm về đồng sở hữu về tài sản chung trong HTX, mục tiêu cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các thành viên HTX, về hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, tại khoản 1, Điều 9 quy định giới hạn HTX chỉ được cung cấp không quá 40% sản phẩm dịch vụ ra ngoài cộng đồng thành viên HTX… Đó là những quan niệm không đúng về bản chất HTX. Nếu thiếu quy định rõ ràng, HTX sẽ không hấp dẫn mà làm cho người dân sợ không dám tham gia vào HTX.
Đại biểu Lê Quốc Dung nêu ý kiến, cốt lõi xuyên suốt của HTX là sự hợp tác tương đối ổn định, tự nguyện, bình đẳng ngang nhau cùng có lợi giữa các thành viên HTX. Sự hợp tác được thể hiện trên nội dung cụ thể và tương ứng giữa các loại hình sau:
Loại hình HTX trực tiếp về tư liệu sản xuất và sức lao động. Loại hình HTX này là Liên hiệp tác xã sản xuất, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, HTX xây dựng, HTX vận tải, HTX môi trường… đây là những loại hình HTX phát triển theo kinh tế thị trường, sản xuất cung cấp 100% sản phẩm dịch vụ hàng hóa cho thị trường mà không cung cấp dịch vụ cho các thành viên như trong Dự thảo Luật. Do đó, quy định trong Luật giới hạn cung cấp không quá 40% sản phẩm hàng hóa dịch vụ ra ngoài cộng đồng thành viên như Dự thảo Luật thì các HTX này sẽ phát triển như thế nào?. Tại sao trong nền kinh tế thị trường lại hạn chế năng lực phát triển của HTX ra ngoài cộng đồng? Mặt khác, việc cung sản phẩm cấp dịch vụ cho dù ở đâu cũng không phải là mục tiêu của HTX mà thông qua đó HTX thu lại lợi ích bằng tiền, tạo việc làm, thu nhập và thuận lợi cho các thành viên và HTX phát triển tốt hơn;
Loại hình thứ 2 là loại hình hợp tác trực tiếp về tư liệu sản xuất và tham gia dịch vụ như các HTX tín dụng, HTX nông nghiệp-dịch vụ nông nghiệp, HTX chăn nuôi, HTX dịch vụ nước sạch, HTX dịch vụ điện… loại hình này thường khép kín trong 1 phạm vi địa bàn nhất định, phạm vi hợp tác nhà nước và tiếp cận thị trường ít hơn.
Loại hình thứ 3 là hợp tác trực tiếp mang yếu tố tư liệu sản xuất, sức lao động và tham gia dịch vụ. Loại hình này có ít HTX và ở cấp thấp như một số ít HTX nông nghiệp thu nhỏ.
Trong 3 nội dung hợp về tư liệu sản xuất, sức lao động và tham gia dịch vụ, nội dung hợp tác về quan hệ sản xuất là nội dung rất cơ bản. Việc phân loại 3 loại hình HTX vừa xác định rõ hơn bản chất chung các loại hình HTX và cần xây dựng trong Dự thảo Luật này có những chương quy định riêng cho phù hợp với từng loại hình HTX, đồng thời qua các loại hình HTX cho thấy các cấp độ hợp tác khác nhau trong quá trình phát triển khác nhau, trong đó hợp tác càng cung ứng sản phẩm dịch vụ hàng hóa ra thị trường thì xã viên và HTX càng có điều kiện phát triển.
Tóm lại, về loại hình HTX, đại biểu đề nghị xác định 3 loại hình như phân tích trên. Theo đó, cần dành một số chương riêng để quy định các nguyên tắc cụ thể về quan hệ hợp tác, tổ chức quản lý hợp tác theo từng loại hình cho phù hợp. Trên cơ sở đó sẽ quy định chính sách chung cũng như những chính sách với từng loại hình HTX.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm cho ý kiến là làm rõ bản chất HTX, tư liệu sản xuất trong HTX. Về vấn đề này, đại biểu Lê Quốc Dung phận tích nếu để quan niệm về tư liệu sản xuất HTX như trong Dự thảo Luật là đồng sở hữu là tài sản chung là tài sản không chia, sẽ hạn chế người dân tham gia HTX và làm “méo” bản chất HTX, làm mất quyền sở hữu của xã viên dẫn đến sự bế tắc kéo dài. Nguyên nhân là trong quá trình phát triển các HTX này đã biến dạng sở hữu, biến dạng quan hệ hợp tác về tư liệu sản xuất, biến quyền lợi sở hữu của các xã viên thành sở hữu tập thể, tài sản chung của HTX, từ đó dẫn tới tập trung quyền lực vào Ban quản trị, làm lu mờ quyền và lợi ích, vai trò địa vị làm chủ của xã viên, dẫn đến Đại hội xã viên và điều lệ HTX không còn bàn bạc bảo vệ quyền về tư liệu sản xuất của xã viên mà coi họ như những người lao động làm thuê đơn thuần, dẫn đến sai lầm về nhận thức hoạt động của HTX như một loại hình doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên đại biểu Lê Quốc Dung đề nghị xác định khái niệm bản chất HTX theo hướng HTX là tổ chức kinh tế tập thể, bình đẳng với các loại hình kinh tế khác do các thành viên hộ gia đình, cá nhân, pháp nhân tự nguyện hợp tác trực tiếp với nhau về tư liệu sản xuất, sức lao động, tự chủ sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập tạo điều kiện về sản xuất và đời sống của các thành viên và HTX cùng phát triển. Trên cơ sở đó, xác định nguyên tắc tổ chức HTX theo hướng tự nguyện, dân chủ cùng có lợi. Quyền của xã viên là bình đẳng ngang nhau. Tư liệu sản xuất do các xã viên hợp tác được bảo vệ quyền về tư liệu sản xuất. Tài sản tích lũy của HTX thuộc quyền lợi xã viên được bảo đảm. HTX thực hiện hạch toán kinh doanh, tự chủ sản xuất kinh doanh để có lãi.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Quốc Dung, đại biểu Nguyễn Tiến Quân (đoàn Quảng Nam) cho rằng một số quy định trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) lần này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến HTX và gò ép HTX nếu còn tồn tại trở lại mô hình cũ. Theo đại biểu, trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quy định phân phối lợi nhuận và tài sản không chia của HTX. Theo đó, đối với cá nhân khi ra khỏi HTX được rút vốn danh nghĩa phù hợp với phần vốn góp theo vốn điều lệ lúc hoạt động. Toàn bộ tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động HTX đưa vào tài sản chung không chia và tài sản này được chuyển giao cho chính quyền hay tổ chức khác khi giải thể. Đại biểu cho rằng, với quy định như vậy được ban hành trong thời gian 60 tháng sẽ có rất nhiều HTX Tiểu thủ công nghiệp, phi nông nghiệp tìm con đường khác để tồn tại và phát triển. Đại biểu cũng cho rằng quy định như trên là không đúng với tư tưởng về cải cách kinh tế khu vực HTX của Đảng và Nhà nước, đề nghị cần nghiên cứu kỹ các quy định nội dung này trong Dự thảo Luật.
Về vai trò quản lý Nhà nước đối với HTX, đại biểu Trần Thị Kim Phương (đoàn Thành phố Hà Nội) nêu ý kiến, Dự thảo Luật cần quy định rõ việc tập trung chức năng quản lý nhà nước vào một hệ thống cơ quan thống nhất từ Trung ương đến địa phương và tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp tác xã phát triển. Quy định cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp đối với HTX, liên hiệp tác xã cần xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức đại diện của HTX, liên hiệp tác xã; quy định cụ thể chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù, vốn phù hợp bản chất của HTX, phân loại HTX qua đó chuyển biến HTX, liên hiệp tác xã hoạt động đúng bản chất của HTX.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ý kiến việc thành lập công ty, tổng công ty do HTX lập ra cần quy định rõ phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và không được hưởng các chính sách hỗ trợ ưu đãi như HTX./.