Cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh

Nhiều đại biểu đề nghị không nên bỏ hình phạt án tử hình đối với tội danh hiếp dâm; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

Sáng nay (14/11), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự.

Đa số các ý kiến tại buổi thảo luận đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn thành phố Hà Nội) và một số đại biểu, Bộ Luật Hình sự (BLHS) được ban hành năm 1999 đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đến nay do tình hình phát triển kinh tế-xã hội, hành cải cách hành chính, cải cách tư pháp, mở rộng và hoàn thiện hơn nữa nền dân chủ Xã hội Chủ nghĩa, một số quy định của BLHS năm 1999 không còn phù hợp với thực tiễn, một số hành vi phạm tội mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường chưa được BLHS quy định nên chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc ban hành  cần thiết phải ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh: còn nhiều băn khoăn

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại buổi thảo luận là về hạn chế phạm vi áp dụng của hình phạt tử hình. Các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn thành phố Hà Nội), Trần Văn Châu (đoàn Bến Tre); đại biểu Triệu Mùi Nái (Hà Giang) và các đại biểu khác đều nhất trí với đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh trên, bởi điều này thể hiện đúng đắn chính sách hình sự đã được nêu trong các Nghị quyết của Đảng, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng tiến bộ, thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước ta.

“Chúng tôi đồng tình với việc Nhà nước xử lý nghiêm khắc người phạm tội, nhưng đồng thời Nhà nước cũng cần phải có chính sách cảm hoá họ. Người phạm tội có nghĩa vụ phải chấp hành hình phạt, nhưng họ cũng có quyền được cải tạo để trở thành người lương thiện. Việc quy định bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh như dự án Luật phù hợp với nội dung cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta”- đại biểu Trần Văn Châu (đoàn Bến Tre) nói.

Theo đề nghị của Chính phủ bỏ hình phạt tử hình ở 17/29 điều luật cụ thể, trong đó có tội hiếp dâm; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý...  Tuy nhiên, việc bỏ hình phạt tử hình đối với các loại tội danh này làm nhiều đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Triệu Mùi Nái (đoàn Hà Giang) cho rằng, cần phải giữ lại hình phạt án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, bởi loại tội phạm này cực kỳ nguy hiểm, làm nguy hại đến sức khoẻ lâu dài của con người, thậm chí từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đại biểu Ngô Thịnh Nam (đoàn Đồng Tháp) và một số đại biểu lại băn khoăn về việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm. Theo đại biểu, việc bị cáo chỉ phạm tội hiếp dâm mà bị phạt tử hình hiện nay ở nước ta rất ít, bị cáo chỉ bị phạt tử hình khi hiếp dâm xong rồi giết nạn nhân. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều bị cáo hiếp dâm có tổ chức, hoặc hiếp dâm người bị hại chết, người bị hại tự sát, hoặc gây khủng hoảng tinh thần cho người bị hại… Trong trường hợp này, áp dụng hình phạt cao nhất đối với bị cáo là cần thiết. 

Có nên xử lý hình sự tội sử dụng trái phép chất ma tuý?

Quy định về việc phi hình sự hóa một số hành vi phạm tội cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Trong đó, việc bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 199) còn gây nhiều tranh cãi, một số đại biểu thì cho rằng, đối tượng nghiện ma túy được coi là người mắc bệnh và phải được áp dụng chế độ cai nghiện. Khi quy định về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, Luật phòng, chống ma túy không đặt vấn đề xử lý hình sự đối với các đối tượng này. Mặt khác, người sử dụng ma tuý trái phép tuy có vi phạm pháp luật nhưng không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý về hình sự. Vì thế việc bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy là hợp lý.

Không đồng tình với các ý kiến này, đại biểu Trần Bá Khiêm (đoàn Hải Phòng) cho rằng, mặc dù không quy định người nghiện là tội phạm nhưng đây thực sự là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không áp dụng hình phạt cụ thể thì số người nghiện, số tội phạm, số lây nhiễm HIV/AIDS sẽ gia tăng. “Nếu thông qua điều luật 199 sẽ tạo cơ hội “mở cửa” cho người nghiện được sử dụng trái phép chất ma tuý. Tình trạng nghiện hút, trộm cắp sẽ tràn lan. Chủ trương nhân đạo đối với họ sẽ bị đảo ngược, vì thế Ban soạn thảo hết sứ nghiên cứu về điều luật này”.

Cũng trong sáng nay, nhiều đại biểu đã góp ý về các nội dung như: mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm, sửa đổi, bổ sung các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế... cũng như nhiều điều khoản cụ thể trong Dự thảo Luật.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua 3 Luật: Luật Bảo hiểm y tế; Luật Thi hành án dân sự; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân các cấp./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên