Cần nhìn nhận rõ hơn về công tác phòng, chống tham nhũng

(VOV) -Bên cạnh tham nhũng trong kinh tế, cần nghiên cứu, soi xét  rõ hơn sự “tham nhũng về chính trị, tham nhũng về chính sách”

Công tác phòng chống tham nhũng từ trước đền nay luôn được Đảng, Nhà nước ta đề cao và thực hiện quyết liệt. Gần đây, nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý kiên quyết. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vân chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, chưa làm chuyển biến được căn bản tình hình. Tại hội thảo “Bàn về những giải pháp phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay" do Tạp chí Cộng sản và Đại học quốc gia TP HCM tổ chức mới đây, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học đã đưa ra nhiều kiến thức chuyên sâu, nhiều đúc rút từ thực tế xung quanh công tác phòng chống tham nhũng, trong đó có nhiều nét mới đáng quan tâm.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Từ trước tới nay, tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế hoặc những lĩnh vực liên quan đến kinh tế thường được phát hiện, phanh phui rất cụ thể. Đó là những vụ tham nhũng mà lợi ích dễ dàng hạch toán ra hoặc thiệt hại có thể cân đong- đo- đếm được bằng con số. Chúng ta đang quyết liệt chống các vụ tham nhũng dạng này, thấy rõ sự nguy hiểm của nó trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng hiện nay, bên cạnh tham nhũng trong kinh tế, cần nghiên cứu, soi xét  rõ hơn sự “tham nhũng về chính trị, tham nhũng về chính sách” mà nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đang lên tiếng cảnh báo. Những người có quyền lực về chính trị mà tha hóa biến chất sẽ cấu kết với những thế lực ngầm để thao túng nhiều lĩnh vực nhằm trục lợi cho một nhóm cá nhân. Tác hại của loại  tham nhũng này không thể lường hết được. Giáo sư- Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương nhìn nhận: Sâu xa và nguy hiểm hơn, một điều nặng nề nhất đối với chúng ta hiện nay là sự tham nhũng trong chính trị, tham nhũng chính sách. Tức là sự liên kết của các chính trị gia thoái hóa, lợi dụng chức quyền với người làm kinh tế phi pháp, bất minh, bất chính để kiếm tiền cho bản thân mà hại đến xã hội. Ở đây liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm, dẫn đến cái gọi là thao túng quá trình là chủ trương, chính sách, hại đến cộng đồng và đấy là một điều nan giải, vấn nạn trong sự phát triển của xã hội chúng ta.

Những hình thức, thủ đoạn tham nhũng hiện nay mà các nhà khoa học, nhà quản lý cảnh báo không phải là chưa diễn ra mà trái lại đang hoành hành, gây tác hại to lớn, làm giảm sút lòng tin của người dân cả nước. Nhìn rõ loại tham nhũng này về nguyên nhân, đối tượng, hành vi cũng là để tìm ra các giải pháp hợp lý, hiệu quả trong phòng, chống. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có giải pháp trước mắt, tức thời để ngăn chặn tác hại của tham nhũng. Đương nhiên là cần huy động  được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của đông đảo nhân dân vào phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng. Đồng thời, sức mạnh đó phải được thể hiện trong những việc làm cụ thể, ví dụ như: Quốc hội đưa ra các luật, chế tài liên quan đến phòng, chống tham nhũng; quy định rõ trong công tác bổ nhiệm cán bộ, người dân có thể tham gia bỏ phiếu tín nhiệm với một số chức danh, một số cán bộ “có vấn đề”…Thạc sỹ Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng biên tập Sổ tay Xây dựng Đảng TP HCM nói việc lấy ý kiến tín nhiệm là một giải pháp huy động sức mạnh tập thể để khắc phục những phiến diện. Ngoài đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm thì còn có cử tri bỏ phiếu tìn nhiệm. Chúng ta có thể không làm đại trà nhưng với những đối tượng xem ra đang có những vấn đề mắc mứu liên quan ta có thể làm được. Đúng ra việc này ta phải làm lâu nay rồi nhưng giờ bắt đầu làm thì mong là làm cho thật lòng chứ đừng có hình thức, nguy hiểm lắm.

Giải pháp trên có thể coi là một trong những phương thuốc thức thời chữa căn bệnh nan y tham nhũng. Về lâu dài, các nhà khoa học đưa ra một giải pháp không mới nhưng rất căn cơ mà gần đây chúng ta đang xao lãng, không tập trung đúng mức. Đó là sự giáo dục đạo đức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người đã, đang và sẽ là công chức nhà nước- đối tượng được cho là dễ phát sinh tham nhũng. Phó GS-TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương nói, muốn phòng chống tham nhũng tốt phải giáo dục đạo đức cách mạng từ các em phổ thông và đặc biệt là đối với cán bộ công chức của Nhà nước, của Đảng. Làm thế nào để mỗi người tự ý thức được sự xấu hổ của mình nếu mình có hành vi tham nhũng hoặc chí ít là xấu hổ khi mình có ý nghĩ là sẽ tham nhũng. Đặc biệt văn hóa Đảng, đạo đức Đảng trong Đảng cầm quyền, nếu Đảng cầm quyền mà không nâng cao đạo đức cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thì sẽ dẫn đến tham nhũng, gây hậu quả hết sức khó khăn cho chế độ chúng ta.

Nạn tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn rất nghiêm trọng, phạm vi rộng, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều  lĩnh vực, nhiều địa bàn, tính chất rất phức tạp, tinh vi, hậu quả hết sức nghiêm trọng. Trước mắt, với phương châm chủ động, quyết liệt, khôn khéo nhưng không chờ đợi, cầu toàn, chúng ta phải tiếp tục làm rất nhiều việc để phòng, chống tham nhũng một cách rất kiên quyết và phải đạt hiệu quả cao. Đây không chỉ là quyết tâm chính trị mà phải là hành động chính trị sống còn hiện nay. Điều đó có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự ổn định và phát triển đất nước, đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa: Đồng khởi chống tham nhũng
Trần Đăng Khoa: Đồng khởi chống tham nhũng

(VOV) -Nếu cả nước đều đồng khởi chống giặc nội xâm thì bọn tham nhũng, trộm cắp sẽ không còn chốn nương náu.

Trần Đăng Khoa: Đồng khởi chống tham nhũng

Trần Đăng Khoa: Đồng khởi chống tham nhũng

(VOV) -Nếu cả nước đều đồng khởi chống giặc nội xâm thì bọn tham nhũng, trộm cắp sẽ không còn chốn nương náu.

Tham nhũng đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Tham nhũng đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

(VOV) - Tham nhũng không chỉ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, mà còn tạo ra những “cú sốc” trong  xã hội. 

Tham nhũng đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Tham nhũng đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

(VOV) - Tham nhũng không chỉ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, mà còn tạo ra những “cú sốc” trong  xã hội.