Cần phân bổ vốn xây dựng cơ bản năm 2009 ngay sau khi được Chính phủ giao

Theo Bộ Tài chính, tổng số vốn giải ngân của các Bộ, ngành, địa phương dự kiến trong năm 2008 là 79.742.646 triệu đồng, chỉ đạt 92,6% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, nhằm giảm tình trạng giải ngân vốn chậm, các Bộ, ngành và địa phương cần phân bổ vốn xây dựng cơ bản (XDCB) tập trung năm 2009 ngay sau khi được Chính phủ giao và đăng ký vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đảm bảo hiệu quả, tránh việc điều chỉnh, phân bổ lại gây ảnh hưởng đến việc điều hành và giải ngân trong năm.

Các ngành chỉ bố trí kế hoạch đầu tư khi xác định chắc chắn khả năng nguồn vốn và đưa vào kế hoạch đầu tư các dự án khi đã có đủ thủ tục đầu tư; bố trí vốn tập trung cho các dự án quan trọng, cần thiết đem lại hiệu quả kinh tế cao, ưu tiên vốn đối ứng các dự án ODA, vốn dự án nhóm A, vốn trả nợ khối lượng hoàn thành năm trước còn nợ, hoàn ứng vốn ngân sách đã ứng trước kế hoạch, các dự án chuyển tiếp, rồi mới đến khởi công các dự án mới. Ngoài ra, các Bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh phân cấp chủ động điều hành kế hoạch và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Theo Bộ Tài chính, tổng số vốn giải ngân của các Bộ, ngành, địa phương dự kiến trong năm 2008 là 79.742.646 triệu đồng, chỉ đạt 92,6% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chậm trễ này vẫn là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; triển khai kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương chậm; chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư kém; năng lực của chủ đầu tư và của nhà thầu yếu; cơ chế chính sách quản lý đầu tư và xây dựng chồng chéo; công tác đấu thầu chậm; các chủ đầu tư chưa khẩn trương thực hiện nghiệm thu khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán và làm thủ tục gửi đến Kho bạc Nhà nước (KBNN) để giải ngân vốn đầu tư...

Trong năm tới, các Bộ, ngành, địa phương phải có biện pháp cụ thể giải quyết các khó khăn vướng mắc ở từng dự án; đẩy mạnh tiến độ thi công và giải ngân; rà soát, điều chỉnh vốn của các dự án không có khả năng thực hiện sang các dự án có khả năng thực hiện nhưng còn thiếu vốn. Các cơ quan tài chính khẩn trương thực hiện các cơ chế chính sách thanh toán mới ban hành để tạo điều kiện giải ngân tốt nhất, nhanh nhất khi chủ đầu tư có khối lượng thanh toán. Các Bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, tập trung vào các giải pháp: Tập trung hoàn thiện các khâu ban đầu (thiết kế, dự toán, chọn thầu, ký kết hợp đồng,...) và giải quyết vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng; chỉ đạo việc điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài chính cho các nhà thầu, khắc phục tình trạng đình trệ trong thi công công trình; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán và làm thủ tục gửi đến KBNN để giải ngân vốn đầu tư; kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên