Cần quy định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Chiều 21/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường với phần thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước.
<< Nên để bội chi ngân sách ở mức an toàn
<< Cử tri tiếp tục đưa nhiều ý kiến nhằm phát triển kinh tế- xã hội
<< Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống còn khoảng 5%
<< Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII
<< Sáng nay khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII
Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày, Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến có tên gọi là “Luật bồi thường Nhà nước”.
Qua thảo luận, có ý kiến tán thành với tên gọi do Chính phủ trình. Một số ý kiến khác đề nghị tên gọi là “Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, “Luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” hoặc “Luật Nhà nước bồi thường”.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, tên gọi của Luật phải rõ ràng, dễ hiểu và thể hiện rõ chủ thể có trách nhiệm bồi thường là Nhà nước. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho lấy tên gọi của Luật là “Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Phải rõ ràng về cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến quy định trách nhiệm bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và cho người có tài sản bị thiệt hại do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự có hành vi trái pháp luật gây ra trong việc thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, nếu không làm tốt việc quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm thì khi giải quyết các vụ việc, các cơ quan sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Hậu quả là người dân sẽ tốn nhiều thời gian, tổn hại về tinh thần và kinh tế để đưa các vụ kiện lên cấp cao hơn giải quyết. Trong khi đó, các cơ quan như Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án tối cao... còn rất nhiều vụ việc lớn phải giải quyết chưa xong.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) nêu ý kiến: Cần phải quy định rõ từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường trong các hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, hoạt động thi hành án... Giải thích về vấn đề này, đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng, nếu không quy định rõ trách nhiệm thì sẽ dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắc) cho cũng cho rằng, cần phải quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm đối với từng vụ việc, vụ án. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đưa ra dẫn chứng về việc đã từng xảy ra trường hợp có người ra tù rồi vẫn chưa có kết án phạm tội gì. Có người bị bắt, đẩy lên xe công an đưa đi, sau đó lại được thông báo là bắt nhầm. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng bức xúc cho rằng, với những người bị bắt nhầm, oan sai đó, phải xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường về danh dự và kinh tế cho họ.
Trong thời điểm hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều phức tạp, nếu chỉ giới hạn trách nhiệm bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự mà chưa mở rộng đối với các trường hợp bị sai thì sẽ rất bất công đối với người bị oan sai.
Mức bồi thường phải rõ ràng và có sự quản lý chặt chẽ
Về mức bồi thường thiệt hại và kinh phí bồi thường thiệt hại, đại biểu Quách Cao Yểm (đoàn Kon Tum) đề nghị quy định mức bồi thường thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần cho hợp lý để vừa phù hợp với khả năng ngân sách của Nhà nước, vừa thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, mức bồi thường cụ thể thì phải tính đến nhiều yếu tố, bảo đảm có lý, có tình và có tính khả thi. Đồng thời, việc xác định mức bồi thường phải dựa trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người bị thiệt hại. Trong trường hợp người bị thiệt hại không thương lượng được thì cơ quan giải quyết bồi thường vẫn phải quyết định mức bồi thường một cách thoả đáng, trường hợp người được bồi thường không đồng ý với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Võ Thị Thuý Loan |
Đại biểu Võ Thị Thúy Loan (đoàn Tiền Giang) cho rằng, Ngân sách nhà nước để chi trả cho việc bồi thường có hạn nên trong các vụ việc giải quyết có tính đến bồi thường thì các cơ quan có trách nhiệm phải thống kê rõ mức độ thiệt hại của người bị oan, bị hại là bao nhiêu và kinh phí để bồi thường phải được kê khai rõ ràng. Đại biểu Võ Thị thúy Loan nêu ý kiến, Chính phủ nên quản lý kinh phí bồi thường thiệt hại một cách chặt chẽ tránh để diễn ra tình trạng có sự thông đồng với người được bồi thường để lợi dụng làm trái pháp luật.
Về đối tượng được bồi thường, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), dự thảo đang trình Quốc hội cho ý kiến hiện nay có đề cập trong hoạt động quản lý hành chính chỉ có 11 trường hợp được bồi thường. Nếu chỉ giới hạn trong phạm vi 11 trường hợp như dự thảo luật sẽ là bất bình đẳng và không công bằng, vì vậy cần mở rộng trường hợp được bồi thường.
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Vũ Duy Hòa (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, chỉ cần có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần là phải bồi thường.
Sáng mai (22/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường với phần trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai./.