Cao Bằng cần tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ hơn
VOV.VN - Cao Bằng cần ứng dụng KHCN vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, tính toán xây dựng thành trung tâm hậu cần xuất khẩu
Ngày 9/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác trung ương đã có chuyến thăm làm việc tại tỉnh Cao Bằng về tình hình phát triển kinh tế xã hội và dự Lễ trao tặng quà an sinh xã hội cho hộ nghèo các xã biên giới Việt-Trung. Cùng dự có Phó Thủ thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành trung ương, Ban chỉ đạo Tây Bắc và đại diện lãnh đạo 7 tỉnh biên giới.
7 tỉnh biên giới Việt-Trung gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây cũng là vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Sau 30 năm đổi mới, các tỉnh biên giới Việt-Trung với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, đời sống ở khu vực đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, ở các xã biên giới kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp nền đời sống bà con các dân tộc còn rất nhiều khó khăn.
Hưởng ứng sáng kiến của Chủ tịch nước về hỗ trợ xi măng cứng hóa nền nhà, chuồng trại và chương trình tặng bò giống cho đồng bào nghèo biên giới, từ năm 2014 nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong đó có Bộ đội Biên phòng, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã ủng hộ hàng nghìn tấn xi măng và bò giống cho hộ nghèo biên giới. Đây là hành động thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần giúp bà con vùng biên giới vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đồng thời bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc.
Để tiếp tục giúp bà con nghèo các xã biên giới, tại lễ trao quà an sinh xã hội được tổ chức ở khu vực thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Chủ tich nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng tượng trưng cho đồng bào nghèo các xã biên giới của 7 tỉnh 15.000 tấn xi măng 24.000 con bò giống do Tập đoàn Viettel tài trợ, Bộ đội Biên phòng tặng 1 tỷ đồng giúp bà con có điều kiện vượt qua khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Để làm được điều đó, Chủ tịch nước lưu ý hoàn thiện hệ thống giao thông là giải pháp cấp bách. Bên cạnh đó có chính sách cho vay ưu đãi, tổ chức lại sản xuất không chỉ là tiêu dùng mà phải sản xuất hàng hóa đáp ứng vùng biên mậu 2 nước.
Chủ tịch nước đề nghị Ban chỉ đạo Tây Bắc cùng các tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu cách làm, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cái gì dân cần như xi măng, cây con giống, quy hoạch…đặc biệt là điều chỉnh bằng cơ chế, chính sách khuy ến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế cho vùng biên giới, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, đồng thời xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn còn là tỉnh nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn ở tốp dưới, trong đó năng suất cây trồng vật nuôi còn rất thấp so với nhiều địa phương và nhất là so với Trung Quốc, chính điều này làm giảm khả năng cạnh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Muốn vậy, Cao Bằng phải tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ hơn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, tính toán xây dựng thành trung tâm hậu cần xuất khẩu, tăng cường liên kết nhằm rộng không gian phát triển, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác phòng chống buôn lậu qua biên giới.
Cơ bản nhất trí phương hướng nhiệm vụ năm 2015, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh Cao Bằng chuẩn bộ tốt mọi mặt cho Đại hội Đảng bộ các cấp, dồn sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm cuối cùng của nhiệm kỳ nhằm tạo tiền đề cho nhiệm kỳ tới.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Cao Bằng, Chủ tịch nước và đoàn công tác cũng đã tới dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ ở Khu di tích lịch sử Pác Bó tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng và đến thăm cụ bà Hoàng Thị Khìn, lão thành cách mạng, người liên lạc của Bác Hồ trong giai đoạn Bác Hồ sống và chỉ đạo cách mạng Việt Nam tại Pác Bó, Cao Bằng./.