Chánh án TANDTC giải trình việc xác định giá trị tài sản trong vụ “Vũ Nhôm”
VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề xác định giá trị tài sản trong vụ án “Vũ Nhôm”, cho rằng, dựa vào thời điểm ra quyết định vi phạm pháp luật làm căn cứ để tính giá trị thiệt hại của Nhà nước là chưa hợp lý.
Chiều 21/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) bày tỏ tin tưởng, những giải đáp của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) trước ý kiến của cử tri Đà Nẵng được đại biểu nêu trong phiên họp sáng 21/11, sẽ giải toả được bức xúc lâu nay và tăng thêm tin tưởng vào sự công minh, khách quan trong xét xử.
Đại biểu đoàn Đà Nẵng tiếp tục nêu vấn đề về thời điểm xác định thiệt hại: “Cụ thể, một là phân biệt chiếm đoạt khác với thiệt hại. Nếu nói chiếm đoạt, thời điểm tội phạm xảy ra gây thiệt hại là đúng. Nhưng thiệt hại xác định là thời điểm khởi tố vụ án hay là thời điểm tội phạm xảy ra là vấn đề phải suy nghĩ. Trong một vụ án, đặc thù bất động sản lên giá rất nhanh, chỉ 5-7 năm lên 5-10 lần. Tội phạm xâm hại hay chiếm đoạt 10 mặt bằng, nếu tính thời điểm hành vi phạm tội cách đây 10 năm, chỉ cần bán 1 mặt bằng thôi còn lại lãi 9 mặt bằng. Làm gì có chuyện tội phạm lại còn có lãi được?”.
Theo đại biểu, Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã xác định nhiều trường hợp khác nhau, nhưng vẫn kiến nghị Chánh án TANDTC chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng thêm các tiêu chí, để làm sao “tội phạm không được lãi”.
Đại biểu Kim Thúy nêu ví dụ về vụ án Phan Văn Anh Vũ chiếm đoạt nhiều tài sản ở TP.HCM và Đà Nẵng: “Bởi vì nhà đất đã tăng lên gấp 10 lần, anh chỉ tính ở thời điểm phạm tội cách đây 10 năm, tài sản lúc đó giả sử có 1 tỷ thôi, giờ 20 tỷ rồi. Đây là đối tượng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, bây giờ chúng ta lại dựa vào thời điểm ra quyết định vi phạm pháp luật làm căn cứ để tính giá trị thiệt hại của Nhà nước tôi cho rằng chưa hợp lý. Đây là vấn đề còn phức tạp trên thực tế. Tôi cho rằng, Nghị quyết 03 không phải là sai, nhưng chưa dẫn hết các tình huống trên thực tiễn”.
Giải trình sau đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ý kiến của các ĐBQH đã chỉ ra một số tồn tại, chia sẻ những khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đề xuất gợi mở những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Về thời điểm xác định thiệt hại, Chánh án TANDTC cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 03, Tòa án đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan. Nghị quyết này đã nêu rõ thời điểm áp dụng pháp luật, nêu rõ thời điểm xác định thiệt hại. Với vụ án không xác định được thời điểm thì áp dụng thời điểm khởi tố.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhắc lại vụ án Phan Văn Anh Vũ khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí có băn khoăn về nhiều tài sản và việc xác định tài sản chỉ bằng 1/10 hiện nay và cho rằng nếu giữ tài sản đó thì bán đi sẽ có lời. Ông Bình khẳng định: “Không có chuyện đó”.
Theo ông Bình, xác định thời điểm phạm tội là thời điểm xảy ra phạm tội nhưng khi tòa tuyên thì tất cả bất động sản của Phan Văn Anh Vũ vi phạm bị tịch thu. Nếu Nghị quyết 03 chưa bao quát hết có thể bổ sung thêm.
“Nên không có chuyện giữ lại tài sản nào để bán đi có lời. Dù là thời điểm phạm tội hay khởi tố thì tất cả các bất động sản đều tịch thu. Các vụ án thực tế không phụ thuộc vào giá cả”, ông Bình nhấn mạnh.