Chào cờ và hát Quốc ca
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ lần chào cờ đầu tiên trong cuộc đời, đó là mùng 1 Tết Âm lịch năm 1957, tôi theo chân bố mẹ và các anh chị ra đình làng chào cờ
Làng tôi, làng Thuyền Quang, khu Bảy Mẫu, Hà Nội, một làng quê lâu đời của đất Thăng Long. Xung quanh là hồ nước. Có người bảo: Ban đêm nhìn ngôi làng như chiếc thuyền, phát sáng trong đêm nên gọi là Thuyền Quang. Chẳng biết đúng sai thế nào nhưng tên chùa làng gọi là Thiền Quang, bây giờ còn trên đường Trần Bình Trọng. Còn cái tên Bảy Mẫu, theo nhà văn Ma Văn Kháng (tên thật là Đinh Trọng Doãn) quê ở làng Kim Liên bên cạnh thì giải thích rằng: Xung quanh khu vực ấy có 7 đền thờ mẫu nên gọi là Bảy Mẫu.
Đình làng thờ ông Thành Hoàng nghe nói là một ông tướng có công dẹp giặc. Nghe nói đình làng thiêng lắm, ai đi qua đình cũng ngả mũ chào. Lũ trẻ chúng tôi thỉnh thoảng chui vào trong đình, cũng không dám vào chỗ hậu cung, chỉ dám chơi ở phía ngoài, và chỉ cho nhau những vết lõm trên sân gạch, bảo rằng đó là vết chân ngựa của ông tướng. Làng cũng có nhiều người theo cách mạng. Thời Pháp tạm chiếm Hà Nội, Thuyền Quang cũng là căn cứ địa của kháng chiến, là nơi lui tới của nhiều cán bộ hoạt động bí mật ở nội thành.
Người làng đứng ra lập hội cờ Bảy Mẫu làm bình phong để cán bộ của ta hoạt động.
Lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình (diễn ra vào 6h sáng hàng ngày) |
Lễ chào cờ đầu năm được tổ chức trang trọng. Toàn thể dân cùng già trẻ lớn bé, đều ra đình làng đứng nghiêm nhìn về phía lá cờ và hát Quốc ca. Hà Nội những năm ấy ở đâu cũng vậy. Lễ chào cờ và hát Quốc ca đầu năm mới là một truyền thống tốt đẹp mà người dân gìn giữ được. Nhiều nhà lập bàn thờ Tổ quốc. Trên có treo Quốc kỳ và ảnh Bác. Những năm sau này lũ trẻ chúng tôi đi học, sáng thứ Hai nào cũng chào cờ và hát Quốc ca. Sau này có thêm phần đọc thơ Tố Hữu. Chỉ có 4 câu thơ thôi, cứ sau chào cờ thì bao giờ cũng đọc:
“Đường giải phóng mới đi một nửa
Nửa mình còn trong lửa nước sôi
Một thân không thể chia đôi
Lửa gươm không thể cắt rời núi sông”...
để nhớ tới đất nước vẫn còn trong ách thống trị của Mỹ ngụy, đồng bào miền Nam vẫn chưa được giải phóng. Bây giờ mấy chục chục năm sau nhớ lại, nhiều người chê coi đó là lối giáo dục “nhồi sọ” nhưng nếu không có sự giáo dục kiên trì và ráo riết ấy thì làm sao sau này có hàng vạn thanh niên Hà Nội, hàng triệu thanh niên miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Anh hùng phi công Vũ Quang Thiều lao máy bay vào máy bay B52 của giặc, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý để lại đứa con nhỏ trên đất Bắc vào Nam chiến đấu. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng rời giảng đường đại học vào chiến trường. Biết bao chàng sinh viên như Nguyễn Văn Thạc tạm biệt mái trường thân yêu lên đường vào Nam... Người Hà Nội là vậy. Trân trọng lá Quốc kỳ và bài hát “Tiến quân ca”.
Ngày 2/9/1969, nghe tin Bác Hồ mất, người Hà Nội tự động treo cờ rủ. Ngày 30/4/1975 khi quân ta đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, cũng là lúc người Hà Nội ùa ra đường, trên tay mỗi người cầm một lá Quốc kỳ. Phong trào Cách mạng khi đó đi vào quần chúng thì không cần mọi sự kích động.
Đáng tiếc rằng, sau này mọi hoạt động, mọi phong trào đều mang tính quan liêu và hình thức, cho nên người ta đã dần quên hát Quốc ca trong lễ chào cờ. Nhưng hãy xem và hãy nghe hàng vạn người hát Quốc ca trên sân Hàng Đẫy và Mỹ Đình mỗi khi cổ vũ cho đội bóng đá Việt Nam. Không cần nhạc đệm, tiếng hát vang hùng tráng cho thấy lòng yêu nước của người dân Việt lại có dịp bộc lộ.
65 năm là cả một chặng đường dài. Những người đã làm nên cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng 8/1945 dần khuất bóng. Những chiến sỹ Điện Biên cũng ngày càng thưa thớt. Chúng ta cần truyền lửa cho thế hệ con cháu hôm nay bằng cách dạy hát Quốc ca và chào cờ. Nếu chúng ta dạy hát cho con trẻ từ lớp 1 và tập cho con em chúng ta hát Quốc ca, đến khi chúng lớn lên, Quốc ca Việt Nam sẽ vang lên mà không cần nhạc đệm trong bất kỳ ngày hội lớn hay lễ kỷ niệm nào. Đồng thanh hát Quốc ca chính là sự cố kết tâm hồn người Việt, khí phách người Việt. Để núi sông được “nghìn thuở vững âu vàng”./.