Chỉ số hạnh phúc đưa vào nghị quyết Đảng ở Yên Bái có thành hiện thực?
VOV.VN - Hạnh phúc tuy là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể “lượng hóa” nhưng thực tế ở Yên Bái những năm gần đây đã chứng minh một điều là: Người dân sẽ hạnh phúc khi bản thân họ hài lòng về cuộc sống, hài lòng về môi trường sống xung quanh...
# Lần đầu tiên đưa chỉ số “Hạnh phúc” của người dân vào chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái, tuy là khái niệm khá trừu tượng, khó có thể “lượng hóa”, nhưng Yên Bái đã vừa làm, vừa điều chỉnh các tiêu chí cũng như cách làm. Kết quả là mới 2 năm đầu triển khai, chỉ số hạnh phúc của người dân đã tăng vượt kế hoạch đề ra. PV VOV có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái về nội dung này.
Phóng viên: Thưa bà, Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào chủ đề Đại hội của tỉnh. Nội dung này được dư luận quan tâm và đánh giá cao. Trước hết, xin bà cho biết, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ số hạnh phúc của người dân trong tỉnh đã có sự thay đổi như thế nào?
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh: Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Yên Bái đã đưa chỉ số “hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội, mục tiêu là nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân qua các năm, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng chỉ số hạnh phúc lên 15%.
Đây là một chỉ tiêu mang tính đặc trưng, riêng có của tỉnh Yên Bái nhằm xác định mức độ hài lòng của người dân Yên Bái trên 3 tiêu chí chính: Sự hài lòng về cuộc sống (gồm: các yếu tố liên quan đến điều kiện sống, việc làm, thu nhập, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội; quan hệ với chính quyền...); sự hài lòng về môi trường sống (gồm: sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; giữ gìn môi trường sinh thái, việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh...); đánh giá về tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe của người dân.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, kết thúc năm 2022, kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh cho thấy, chỉ số hạnh phúc của người dân là 62,57%; đạt mức 2 – mức khá hạnh phúc, vượt 1,37% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm.
Có thể khẳng định, chỉ số hạnh phúc đã thực sự trở thành động lực, nền tảng tinh thần quan trọng, thể hiện quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vì mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”.
Phóng viên: Như vậy mới chỉ trong 2 năm đầu triển khai, nhưng chỉ số hạnh phúc mà tỉnh đưa ra đã được thực hiện vượt kế hoạch. Địa phương đã có những cách làm như thế nào?
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh: Có thể nhắc lại việc đưa Chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và định hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” được coi là điểm mới trong chiến lược phát triển của tỉnh - xuất phát từ nhận định và triết lý riêng của Yên Bái. Đây cũng là việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, nên tỉnh Yên Bái xác định không cầu toàn mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm theo lộ trình và bước đi cụ thể, thận trọng, bài bản từng năm.
Ngay trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách riêng của địa phương tương đối toàn diện, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường.... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, hằng năm Tỉnh ủy đều ban hành Kế hoạch, theo tinh thần “giao chỉ tiêu, khoán sản phẩm” và “đặt hàng”, phân công cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, cũng như nâng cao chỉ số Hạnh phúc cho người dân. Qua đó, từng ngành, từng địa phương phải xác định được các giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; có kết quả, sản phẩm cụ thể thể hiện đặc trưng của mỗi ngành, mỗi địa phương.
Năm 2022, tỉnh đã xem xét lại việc giao nhiệm vụ điều tra, xác định chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái cho Cục Thống kê tỉnh để triển khai bài bản, khoa học trên phạm vi toàn tỉnh. Phương pháp điều tra, đánh giá chỉ số hạnh phúc của Yên Bái đã được Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho ý kiến thống nhất, đồng tình cao để Cục Thống kê tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện. Có thể nói, đây là cách làm mới, đảm bảo tính chính xác do cơ quan thống kê thực hiện đối với sự hài lòng của người dân về các tiêu chí (hài lòng về cuộc sống, hài lòng về môi trường sống, về tuổi thọ trung bình) cũng chính là thước đo chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái.
Trong quá trình triển khai thực hiện, đã xuất hiện một số sản phẩm cụ thể, mang đặc trưng riêng có của tỉnh Yên Bái như: 100% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 500 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc"; Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh (kết thúc năm học 2021 – 2022, đã có 165 trường đạt tiêu chuẩn Trường học hạnh phúc); Ngành Y tế thì triển khai phong trào thi đua “Bác sỹ tận tâm, Bệnh nhân hạnh phúc” tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh... Hiện nay, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng, việc khôi phục các lễ hội truyền thống đang được phát triển và lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tạo khí thế, động lực thi đua hết sức sôi nổi trên địa bàn tỉnh...
Phóng viên: Như vậy qua 2 năm triển khai, nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nên đã xuất hiện nhiều mô hình hay ở từng ngành, từng địa phương. Xin bà cho biết là quá trình triển khai, Yên Bái đã chú ý phát huy tinh thần, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên như thế nào trong việc thực hiện các mục tiêu của chỉ số Hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội, thưa bà?
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh: Có thể nhận thấy rất rõ, Hạnh phúc tuy là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể “lượng hóa” nhưng thực tế ở Yên Bái những năm gần đây đã chứng minh một điều là: Người dân sẽ hạnh phúc khi bản thân họ hài lòng về cuộc sống, hài lòng về môi trường sống xung quanh, hài lòng về tuổi thọ trung bình và có sức khỏe tốt.
Vì vậy, để nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân thì không có nhiệm vụ, giải pháp nào nằm ngoài các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, tỉnh đã luôn chú ý phát huy tinh thần gương mẫu, tích cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân và các phong trào được phát động tại cơ quan, đơn vị, khu dân cư, để từ đó xây dựng gia đình, khu dân cư, trường học, cơ quan hạnh phúc.
Phóng viên: Bước sang năm mới 2023 - năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết, Yên Bái xác định mục tiêu và các giải pháp trọng tâm ra sao, nhằm nâng cao hơn nữa chỉ số hạnh phúc nhân dân trong nửa cuối nhiệm kỳ 2022 – 2025?
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh: Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng chỉ số hạnh phúc lên 15%, cũng đồng nghĩa với việc tỉnh phải quyết tâm cao độ trong triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.Với mục tiêu năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 63,3%, phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm của các năm trước, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục ban hành Kế hoạch cụ thể về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2023; sẽ xác định và tập trung vào các giải pháp trọng tâm; bám sát mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và nâng cao sự hài lòng của người dân, “Tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà và chúc cho Đảng bộ tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra và người dân Yên Bái sẽ ngày càng hạnh phúc./.