Chi tiêu công: “Bóc ngắn, cắn dài”

Chi tiêu công tăng 13,3% so với dự toán mặc dù Chính phủ đã 2 hai lần chỉ đạo thực hiện tiết kiệm chi và cắt giảm chi tiêu thường xuyên

Ngày 30/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm tới.

Về vấn đề chi ngân sách, nhiều đại biểu cho rằng, việc chi ngân sách hiện nay đang được phân bổ theo kiểu năm sau nhiều hơn năm trước mà chưa thấy hết hiệu quả của các khoản chi. Vì thế, Chính phủ nên cơ cấu lại các khoản chi, vì thực tế ngân sách phục vụ cho chi thường xuyên như vậy là quá cao, chiếm đến 62,5%. Cần phải đánh giá lại hiệu quả các khoản chi, kể cả chi cho giáo dục, y tế và các khoản chi cho các chương trình sự nghiệp, các chương trình mục tiêu quốc gia. “Đề nghị Chính phủ cho biết rõ hơn việc chi 10.641 tỷ đồng hỗ trợ cho các tập đoàn, tổng công ty 91. Vì đã là doanh nghiệp thì phải thực hiện cơ chế tự vay, tự trả ở một giới hạn nào đó, còn nếu Chính phủ muốn ưu tiên thì nên đưa vào chính sách ưu tiên đầu tư theo dự án”. Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn thành phố Hà Nội) nêu ý kiến.

Về chi thường xuyên, một số đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn), Đặng Như Lợi (đoàn Cà Mau) và một số đại biểu cho rằng, mặc dù trong năm 2008 Chính phủ đã 2 hai lần chỉ đạo thực hiện tiết kiệm chi và cắt giảm chi tiêu thường xuyên và đã giao chỉ tiêu thực hiện cho các đơn vị thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Nhưng theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, thực tế chi ở lĩnh vực này không những không giảm mà còn tăng so với dự toán là 13,3%. Điều đó chứng tỏ việc chi tiêu công của chúng ta chưa được quản lý chặt chẽ. Đề nghị cần phân tích những nguyên nhân và đề ra những giải pháp trong quản lý chi tiêu ngân sách trong lĩnh vực này.

Xung quanh bội chi ngân sách, nhiều đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, nhưng một số lại cho rằng, nếu tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục lạm phát thì phương án để bội chi ngân sách với mức 4,8% hoặc 5% là không hợp lý. “Nếu như tình hình tiếp tục lạm phát, nếu để chỉ số bội chi ngân sách cao 4,8%, sẽ không góp phần chống lạm phát. Trong điều kiện như vậy, chúng ta tăng bội chi ngân sách thì hoàn toàn không nên, nhưng nếu như thiểu phát thì có thể dùng bội chi ngân sách để kích thích kinh tế xã hội phát triển”- Đại biểu Đồng Hữu Mạo  (đoàn Thừa Thiên - Huế) nói.

Thu ngân sách Nhà nước còn thiếu ổn định và bền vững

Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Theo các đại biểu, mặc dù nền kinh tế nước ta phải đối mặt nhiều khó khăn vì tác động mạnh của khủng hoảng tài chính của Mỹ, kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, nhưng dưới sự điều hành năng động, nỗ lực của Chính phủ cùng các bộ ngành các cấp đã đưa nền kinh tế nước ta vượt qua thời điểm khó khăn nhất của năm 2008, đặc biệt là kết quả kiềm chế lạm phát, từ đó đã tạo lòng tin trong nhân dân, những cân đối lớn của nền kinh tế đang từng bước ổn định và ước tổng thu ngân sách vượt 23,5% dự toán và tăng 26,3% năm 2007.

Tuy nhiên, các đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, tình hình thực hiện thu ngân sách Nhà nước cũng bộc lộ tính thiếu ổn định và bền vững. Các đại biểu cho rằng, vượt thu ngân sách chủ yếu nhờ tăng giá từ dầu thô và từ nhà đất, nếu tính cả yếu tố trượt giá do lạm phát thì xem như không tăng thu trong năm 2008.

Số liệu thực hiện cho thấy, nguồn thu từ khu vực sản xuất kinh doanh tăng không đáng kể, nên cần phải có chính sách tháo gỡ để sản xuất phát triển ngày càng tốt hơn. “Đề nghị Chính phủ dự báo chính xác giá dầu thô và nên có 2-3 phương án nguồn thu để ngân sách chủ động ứng phó với tình hình. Để tăng nguồn thu ngân sách đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp tích cực cụ thể hơn để khai thác xã hội hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp hơn, tăng từ nguồn thu ngân sách, kích thích tốt hơn khu vực dịch vụ”- Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đề nghị.

Cũng tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách năm 2009; đồng thời đề nghị với Chính phủ quan tâm chỉ đạo tăng đầu tư cho phát triển nhưng phải chú ý đến dự phòng ngân sách Trung ương.

Ngày mai (31/10), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tham nhũng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên