Chính phủ họp thường kỳ tháng 5

VOV.VN -Chính phủ tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các tác động xung quanh tình hình Biển Đông; phát triển thủy sản.

Sáng 29/5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay. Chính phủ cũng tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các tác động xung quanh tình hình Biển Đông; chính sách và giải pháp phát triển thủy sản cũng như Chương trình hành động của Chính phủ triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các thành viên Chính phủ nhất trí với đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và tính chung 5 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhất là các chỉ số đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tại một số địa phương xuất hiện biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam nhưng một số người đã bị kích động, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, gây mất an ninh trật tự, thiệt hại sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2014 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh… đã kịp thời chỉ đạo, ngăn chặn kịp thời và trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường. Các dự án điện, gang thép lớn… do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC hay nhà đầu tư vẫn diễn ra bình thường. Các doanh nghiệp nhập khẩu lớn cũng đã tính toán các phương án để đảm bảo duy trì sản xuất, xuất khẩu trong mọi tình huống…

Quan điểm chung của Chính phủ là phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt bằng các biện pháp hòa bình, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời duy trì quan hệ kinh tế, thương mại bình thường với Trung Quốc vì đây là điều tất yếu, khách quan và cũng là lợi ích đan xen. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế thì các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung đa dạng thị trường xuất-nhập khẩu, du lịch, đầu tư, lao động…

Chiều cùng ngày, các thành viên Chính phủ tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 5./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên