Chống tham nhũng khu vực tư để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
VOV.VN - Việt Nam hội nhập, ký nhiều cam kết bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch nên cần đặt ra vấn đề phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư.
Ngày 30/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn Thực trạng pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, dưới sự đồng chủ trì của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cùng sự tham dự của nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội thảo tham vấn diễn ra tại Hà Nội ngày 30/9
Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, tham nhũng tại Việt Nam vẫn đang được đánh giá là nghiêm trọng. Một trong những nỗ lực giải quyết vấn đề này là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật như sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.
Dự thảo luật thiết kế 1 chương về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước, trong đó có phần quan trọng về hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là những phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
“Hội thảo mong đợi các doanh nghiệp góp tiếng nói củng cố sự đồng thuận chung rằng không những phải phòng, chống tham nhũng trong khu vực công mà có cả phòng chống tham nhũng ở khu vực tư. Việt Nam hội nhập và ký kết nhiều cam kết quốc tế bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh thì việc phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư là cấp bách” – ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh và cho biết sau Hội thảo, cơ quan liên quan sẽ rà soát để hoàn thiện các quy định.
Đại sứ Anh Giles Lever cũng cho biết, mục đích của hội thảo là nhằm tập trung vào đánh giá khung khổ pháp lý để làm sao tạo ra được công cụ hiệu quả giải quyết vấn đề tham nhũng. Luật về phòng, chống tham nhũng phải “sống được” nhưng điều quan trọng hơn vẫn là áp dụng thực thi.
“Phòng, chống tham nhũng để tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh là vấn đề không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia khác cũng đang phải giải quyết. Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đang sửa luật nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý để hạn chế cơ hội gây tham nhũng. Công việc này không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà còn là mối quan tâm của các bên khi luật bao phủ các đối tượng” – ông Giles Lever nói.
Luật PCTN đang sửa đổi mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội... Đối với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức xã hội khác, Luật chỉ đưa ra các khuyến nghị thực hiện đối với một số chế định trong Luật.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện còn nhiều quan điểm khác nhau. Còn nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là nửa vời nên cần quy định toàn diện hơn. Quan điểm khác thì cho rằng cứ phòng, chống tham nhũng tốt ở khu vực công trước, vì quy định như dự thảo sẽ dẫn đến những khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp.
“Chúng tôi lắng nghe doanh nghiệp để từ đó phân tích, đánh giá phương án quy định cho phù hợp về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh” – ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Theo đại diện của VCCI, từ thực tế tần suất thanh kiểm tra còn cao thì việc quy định các hành vi như dự thảo có nguy cơ dẫn đến động lực khiến các cơ quan lạm quyền; nhà kinh doanh e ngại vì thường xuyên bị giám sát và về tổng thể là nguy cơ lợi ích đạt được thấp hơn chi phí mà doanh nghiệp và xã hội phải gánh chịu. Trong khi đó những vấn đề như quản trị công, minh bạch tài chính, thông tin nội gián, quan hệ gia đình thân hữu… ảnh hưởng rất nhiều thì chưa được ưu tiên quy định.
Ngày 5/8/2016, Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã ký hợp đồng tài trợ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam rà soát để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chống tham nhũng trong kinh doanh ở Việt Nam, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng minh bạch, bền vững để giúp Thanh tra Chính phủ xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong kinh doanh./.