Chủ tịch Hà Nội nói về việc triển khai Luật Thủ đô
Để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, rất cần có sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, công chức và mỗi người dân Thủ đô.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, việc HĐND Thành phố vừa thông qua 11 Nghị quyết về một số vấn đề cụ thể hóa Luật Thủ đô là điểm mốc quan trọng đầu tiên của Hà Nội trong lộ trình triển khai thực hiện Luật này.
Tuy nhiên, để Luật Thủ đô thực sự đi vào cuộc sống, rất cần có sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, công chức và mỗi người dân Thủ đô.
Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội vừa chính thức thông qua 11 Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc triển khai Luật Thủ đô.
PV: Thưa ông, những Nghị quyết vừa được ban hành nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô sẽ đem lại những thay đổi gì trong các chính sách của Thành phố trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Ngày 21/11/2012, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Thực hiện Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, việc xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô đã được TP Hà Nội thực hiện khẩn trương, nghiêm túc để kịp trình các cấp có thẩm quyền của Thành phố ban hành khi Luật Thủ đô bắt đầu có hiệu lực.
Thành phố đã xây dựng 16 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô. Trong đó, có 11 Nghị quyết của HĐND, 2 quyết định của UBND TP; 2 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ và 1 văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Luật Thủ đô đã xác lập cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội trong cả 7 lĩnh vực: quy hoạch, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, môi trường-đất đai; kinh tế-tài chính, an ninh-an toàn xã hội.
Chúng ta cũng hiểu rằng, sự ra đời của Luật Thủ đô không phải là dành cho Hà Nội đặc quyền, đặc lợi mà là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt, tạo ra cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô phục vụ sự nghiệp chung của cả nước.
Theo 11 Nghị quyết vừa được HĐND TP. thông qua, Thành phố sẽ triển khai thực hiện các quy định về diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở khu vực nội thành thành phố Hà Nội; Quy định về tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn TP. Hà Nội.
Hà Nội cũng sẽ triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô; một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp.
Trong thời gian tới, chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành... sẽ được áp dụng trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt, quy định về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng; cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài; chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa… cũng sẽ được áp dụng kể từ 01/7/2013.
PV: Thưa ông, người dân Hà Nội sẽ hưởng lợi gì khi Thành phố triển khai thực hiện những chính sách, quy định mới được ban hành?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Khi các chính sách mới cụ thể hóa Luật Thủ đô đã được HĐND thông qua và được triển khai thực hiện, Hà Nội sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trong điều kiện quỹ đất dành cho lĩnh vực này đang dần bị thu hẹp.
Người dân Thủ đô cũng sẽ được hưởng những chính sách đặc biệt thông qua các quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Quản lý dân cư là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý để có thể bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là một trong những đòi hỏi bức thiết để Thủ đô Hà Nội phát huy nội lực, phục vụ tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển và giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ở khu vực nội thành Hà Nội, ngoài những trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4, Điều 20 của Luật Cư trú thì công dân muốn đăng ký thường trú tại nội thành phải tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định và phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
Việc siết lại điều kiện nhập khẩu vào khu vực nội thành Hà Nội chính là giải pháp quan trọng để hạn chế tình trạng nhập cư ồ ạt. Nhờ vậy, người dân Hà Nội sẽ không phải chịu đựng những bất tiện do tình trạng quá tải dân số gây ra.
PV: Xin ông cho biết, sau khi HĐND Thành phố thông qua 11 Nghị quyết trên, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện những công việc gì để Luật Thủ đô thực sự đi vào cuộc sống?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Tại điều 25 trong Luật Thủ đô có các điều khoản quy định khá chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người dân Thủ đô khi thực hiện luật. Theo đó, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp chính quyền của TP. Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô và chịu trách nhiệm về những vi phạm, yếu kém xảy ra trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25/2 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng đã xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Theo đó, cùng với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô; phổ biến pháp luật về Thủ đô; UBND TP. sẽ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô, định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả và báo cáo để HĐND Thành phố xem xét, điều chỉnh và đánh giá tác động trong quá trình thi hành Luật Thủ đô.
Việc HĐND Thành phố vừa thông qua 11 Nghị quyết về một số vấn đề cụ thể hóa Luật Thủ đô có thể coi là điểm mốc quan trọng đầu tiên của Hà Nội trong lộ trình triển khai đưa Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, vừa giúp cho Thành phố phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, vừa giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ với chính quyền và mỗi người dân Thành phố trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, để những chính sách mới cụ thể hóa từ Luật Thủ đô được triển khai nghiêm túc, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô phải gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Mỗi người dân Thủ đô đều phải có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô…
Hà Nội hiện là đô thị lớn thứ 17 trên thế giới, lớn nhất cả nước về diện tích, đứng thứ hai cả nước về dân số và tổng sản phẩm quốc nội, bên cạnh những thuận lợi cũng có rất nhiều khó khăn phát sinh mà chỉ riêng Hà Nội không thể giải quyết được.
Chính vì vậy, Luật Thủ đô cũng đã dành chương 3 quy định trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý giám sát cũng như phối hợp thực hiện.
Với tất cả những chủ trương, giải pháp đã, đang và sẽ được triển khai; sự vào cuộc quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân Thủ đô; sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và cụ thể của Chính phủ, sự đồng thuận của các bộ, ngành Trung ương, tôi tin rằng Luật Thủ đô sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo thêm nhiều động lực để Thủ đô phát triển tương xứng với tầm vóc của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.