Chủ tịch nước: Cán bộ, công chức thấy việc dân cần mà không làm thì phải xử lý
VOV.VN - Chiều 28/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các ĐBQH Thành phố Đà Nẵng tiếp xúc cử tri thành phố, thông báo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với cử tri về tình trạng một bộ phận cán bộ công chức trong bộ máy không dám làm vì sợ sai, Chủ tịch nước cho rằng, cán bộ công chức thấy việc người dân cần, xã hội cần mà không làm thì xứng đáng phải xử lý.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao Quốc hội có kỳ họp chất lượng, thu hút và đáp ứng được sự quan tâm của nhân dân, trong đó có đóng góp của đoàn ĐBQH Thành phố Đà Nẵng.
Cử tri nêu một số vấn đề quan tâm hiện nay là cần đẩy mạnh truyền thông chính sách và các giá trị tốt đẹp của xã hội hơn nữa; tiếp tục đề nghị Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; làm rõ trách nhiệm khi giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; vấn đề tăng giá điện; vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế chưa được giải quyết triệt để; nhà ở xã hội cho công nhân; các vướng mắc trong thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù tại Thành phố Đà Nẵng…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao cử tri Đà Nẵng nêu những vấn đề thời sự, xuất phát từ trách nhiệm, sự tâm huyết và xứng tầm với sự phát triển của Thành phố và đất nước.
Đánh giá cao Đảng, Nhà nước quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, cử tri Nguyễn Thị Hương, đề nghị: “Tôi đề nghị cần quyết liệt hơn nữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực và coi đây là công tác thường xuyên, liên tục. Để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực nhằm thu hồi tài sản thất thoát, rất cần sự quyết liệt của các cơ quan chức năng thực hiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng quy trình bổ nhiệm cán bộ ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Tôi khẳng định lại rằng, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với một quyết tâm chính trị rất cao, trên bình diện Trung ương cũng như địa phương, với tư tưởng là không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.
“Trong một vài lần tiếp xúc cử tri trước tôi có nói đến hình ảnh “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Sâu chỗ nào, dột chỗ nào thì chúng ta xử lý chỗ đó. Việc này trong thời gian vừa qua diễn ra đúng như vậy”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước cũng nêu rõ, trước đây nhiều người nói chúng ta chỉ “tắm từ vai trở xuống”, chỉ xử lý những người liên quan trực tiếp đến thất thoát tài sản của nhà nước, tập thể, tuy nhiên, hiện nay Đảng, Nhà nước xử lý cả trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý không sâu sát, chặt chẽ, để bộ máy, cấp dưới của mình vi phạm, gây thất thoát lãng phí.
Nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương chứ không phải “trên nóng, dưới lạnh”, Chủ tịch nước cho biết, vừa qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban cũng đã chủ trì đánh giá lại hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sau 1 năm thành lập, cho thấy rõ quyết tâm trong công tác này.
Bên cạnh việc thể hiện quan tâm tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các cử tri Đà Nẵng còn quan tâm đến tình trạng hiện nay một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm vì sợ sai.
Theo cử tri Trần Thanh Tân, để khắc phục điều này thì cần hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, đảm bảo rõ ràng, không dẫn đến tình trạng mỗi địa phương hiểu luật một khác khiến cán bộ không dám làm. Cùng với đó là phải gắn trách nhiệm đạo đức công vụ với người đứng đầu.
“Mọi công việc giải quyết hàng ngày phải căn cứ theo văn bản quy định của pháp luật. Nhất là việc xử lý các hành vi sai phạm là không có vùng cấm phải theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng cấp trên chỉ đạo miệng xuống làm cho cấp dưới bị động, không dám thực thi nhiệm vụ theo quy định. Vấn đề này trong thực tế xảy ra chỉ đạo miệng. Do vậy tôi đề nghị cấp trên là phải gương mẫu, không được chỉ đạo miệng. Tất cả đều phải thượng tôn pháp luật, làm đúng theo quy định của pháp luật, kể cả việc triển khai thực hiện cũng như xử lý các vi phạm”, cử tri Trần Thanh Tân cho hay.
Về nội dung này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với cử tri: “Chúng ta khuyến khích sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết việc chung, nhưng đồng thời xử lý nghiêm cán bộ có tư tưởng bàn lùi, né tránh, sợ trách nhiệm, muốn an toàn theo kiểu không làm gì. Mình là cán bộ công chức thấy việc đó người dân cần, xã hội cần mà mình không làm thì cũng xứng đáng phải xử lý”.
“Trong đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng thì phải tăng cương việc này, để cán bộ công chức thấy việc của dân, của xã hội là nhiệm của chính mình. Mình nhận lương nhà nước là để làm việc đó với đầy đủ trách nhiệm theo quy định của bộ máy, pháp luật quy định”, Chủ tịch nước khẳng định.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề thiếu điện và cắt điện vừa qua, đồng thời đề nghị cần thanh tra toàn bộ ngành điện. Chia sẻ với băn khoăn của cử tri, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, đây cũng là vấn đề nhiều ĐBQH nêu và sắp tới sẽ làm rất nghiêm túc.
“Hiện nay làm theo hai hướng, thứ nhất là thanh tra kiểm tra xung quanh việc chủ trương, thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Thứ hai là sẽ thanh tra đối với Tập đoàn điện lực. Trước mắt Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương thanh tra. Cử tri cũng không cần lo lắng Bộ công thương không khách quan. Tôi khẳng định không có chuyện đó. Bộ mà làm không nghiêm túc thì Bộ sẽ tiếp tục bị kiểm tra, thanh tra”, Chủ tịch nước cho hay.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước cũng trao đổi với cử tri về vấn đề phát huy vai trò của MTTQ trong công tác đấu tranh phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cũng như đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế; vấn đề đảm bảo an ninh mạng hiện nay còn những bất cập.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 26/8, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi tới tất cả các gia đình cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng, lời chúc mạnh khỏe, đầm ấm, hạnh phúc; mong muốn mỗi gia đình luôn đầm ấm để xã hội luôn yên vui; mỗi gia đình luôn tốt đẹp để xã hội luôn tốt đẹp.
Trước đó trong sáng nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm gia đình Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Hoàng, sinh năm 1924, có có 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, hạnh phúc tại phường Bình Thuận, Thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu, luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp cho địa phương, nơi cư trú.