Chủ tịch nước: Phải bình tĩnh đấu tranh bằng biện pháp hòa bình

VOV.VN - "Chúng ta phải bình tĩnh đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, càng khó thì càng phải đoàn kết thống nhất một ý chí".

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 16/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3.        

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang dậy sóng, với việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam, vụ việc này đã trở thành vấn đề được cử tri quận 1 và quận 3 quan tâm đặc biệt.

Cử tri tham dự buổi tiếp xúc đều bày tỏ lòng yêu nước, thể hiện rõ quan điểm lãnh thổ là thiêng liêng và lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Chủ tịch nước bắt tay, thăm hỏi các cử trị tại buổi tiếp xúc

Cử tri Nguyễn Văn Bông (phường Đa Kao) cho rằng: "Việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về luật biển 1982...”.

Cử tri Lê Văn Minh kiến nghị, cùng với nâng cao chủ động trong thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng cần phải có sự ưu tiên đầu tư đặc biệt đối với ngư dân bám biển phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền.

Ông Lê Văn Minh nói: "Chúng ta quan tâm đặc biệt đến an ninh quốc phòng, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược bảo vệ và xây dựng Tổ quốc đừng để bất ngờ và phải quan tâm đặc biệt đến lực lượng ngư dân. Đây là lực lượng quan trọng tạo nên thế trận nhân dân trên biển... Do đó Quốc hội phải ưu tiên đầu tư đặc biệt để ngư dân vừa đánh bắt hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Các cử tri cũng bày tỏ bức xúc đối với những hành động quá khích, cực đoan không đúng của một số công nhân đập phá nhà máy công xưởng tại Bình Dương, tác động đến chính việc làm của hàng nghìn công nhân.

Cử tri Nguyễn Quang Trung (phường 1) cho rằng: "Việc lợi dụng phá hoại ở một số doanh nghiệp vừa qua là vi phạm pháp luật. Chúng ta cần phải tuyên truyền cho mọi người, nhận thức sâu sắc điều này. Chúng ta kiên quyết giữ từng mét đất, vùng biển của Tổ quốc, chúng ta cũng phải kiên trì đừng để mắc âm mưu phá hoại của những kẻ kích động”.

Bên cạnh vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các cử tri cũng hoan nghênh, kỳ họp thứ 7 tới sẽ xem xét thông qua 10 dự án Luật, trong đó có dự luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình, Luật xây dựng, Luật cư trú...

Các vấn đề chính sách đối với người có công, vấn đề phòng chống tham nhũng, kê khai tài sản... tiếp tục được các cử tri phản ánh tới đại biểu Quốc hội với mong muốn phải xử nghiêm những vụ án tham nhũng.

Quốc hội cần có sự giám sát đối với những vụ án tham nhũng lớn như: Vụ án Bầu Kiên, vụ hối lộ của công ty Nhật Bản với cán bộ Tổng công ty đường sắt Việt Nam, vụ án Nguyễn Thị Huyền Như...

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao phát biểu tâm huyết của cử tri nhất là sự quan tâm đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch nước khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự xâm phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên về biển Đông (DOC) và các thỏa thuận cấp cao hai nước.

Giải đáp ý kiến của cử tri về phản ứng thế nào của lãnh Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh Đảng, Nhà nước hành động công khai, minh bạch chủ trương, đường lối của chúng ta phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và trên thế giới. Quốc tế đã, đang ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, do đó việc đấu tranh phải khôn khéo và bình tĩnh đúng luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước nói: "Từ khi xảy ra vụ việc, chúng ta trao đổi cấp cao hơn 10 lần, kể cả cử người gặp, điện đàm. Trung ương đã lên tiếng, kỳ họp tới, Quốc hội cũng sẽ lên tiếng... Mình phải bình tĩnh xử lý phù hợp lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế... Cùng với đó, các nước lớn, các tổ chức quốc tế , rất nhiều học giả và nhân dân trên thế giới lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam”.

Chủ tịch nước khẳng định: "Lập trường chúng ta là kiên định phản đối. Lịch sử đã chứng minh, sức mạnh dân tộc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, càng khó thì càng phải đoàn kết thống nhất với nhau một ý chí".

Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh sự đoàn kết một lòng để bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, chống kích động phá hoại, đồng thời phải đoàn kết để phát triển kinh tế nâng cao tiềm lực đất nước.

Chủ tịch nước nói:"Một số công nhân bị tác động từ bên ngoài, hủy hoại tài sản doanh nghiệp là hành động đáng lên án, làm phương hại đến lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp và ảnh hưởng công ăn việc làm của công nhân... Ai vi phạm phải xử lý theo pháp luật. Chúng ta, phải rút kinh nghiệm, nhanh chóng khắc phục, ổn định sản xuất, để tuyên truyền với nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài, tuyên truyền cho công nhân phải có thái độ đúng mực. Bên cạnh tăng cường đoàn kết với Đảng, Nhà nước, Chính phủ bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình thì phải lo phát triển đất nước, phát triển kinh tế nâng cao tiềm lực quốc gia "thực túc binh cường" dồn sức vào phát triển đất nước...như thế mới chứng minh là người yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền”.

Ghi nhận những kiến nghị của cử tri về các dự thảo dự án luật, về giám sát các vụ án tham nhũng, kê khai tài sản sao cho thực chất và một số vụ việc khiếu nại cụ thể của cử tri, Chủ tịch nước mong rằng mỗi cử tri nên tích cực đóng góp ý kiến phê phán những việc chưa làm được, kịp thời phản ánh tiêu cực, lãng phí tới các cơ quan chức năng.

Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuyển tải ý kiến của cử tri tới Quốc Hội và chính quyền TP HCM giải quyết trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên