Chủ tịch nước tặng quà người nghèo tại Hưng Yên, Hà Nam
VOV.VN - Chủ tịch nước vui mừng trước sự đổi thay tích cực của nông thôn với đường làng ngõ xóm đã được trải vật liệu cứng và bê tông hóa.
Trong không khí mừng Đảng, mừng xuân, ngày 13/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà bà con nhân dân xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng các bậc tiên liệt của dân tộc Triệu Việt Vương và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Chủ tịch nước cũng đã tới dự Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến tác giả lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tại huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam.
Đến thăm chúc Tết bà con nhân dân xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước sự đổi thay tích cực của xã với 100% hộ dân có nhà xây kiên cố; đường làng ngõ xóm đã được trải vật liệu cứng và bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5% theo tiêu chí mới, nhiều năm qua giáo dục đào tạo ở Giai Phạm luôn là lá cờ đầu của huyện.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về tình hình phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch nước ghi nhận sự nỗ lực vượt qua khó khăn của tỉnh Hưng Yên trong năm 2014 giữ tốc độ tăng trưởng 7,25%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Trong bối cảnh khó khăn chung tỉnh vẫn tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp.
Chương trình nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí, có 20 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí…
Chủ tịch nước lưu ý năm 2015, bên cạnh thuận lợi cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhất là năm đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, do đó, tỉnh cần tập nghiên cứu, thảo luận tìm giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm cuối của nhiệm kỳ, đồng thời chuẩn bị cho tốt cho nhiệm kỳ mới.
Xuân Ất Mùi đang tới, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Hưng Yên cần chú ý chăm lo để cho mọi người, mọi nhà đều có có Tết, nhất là các gia đình chính sách, người có công, gia đình nghèo, cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trong dịp Tết.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã trao tặng 100 phần quà cho bà con nghèo và hộ gia đình chính sách tại xã Giai Phạm.
Chủ tịch nước chúc bà con nhân dân đón xuân vui vẻ và đầm ấm.
Tại xã Giai Phạm Chủ tịch nước đã tới dâng hương tại Nhà tưởng niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, người con ưu tú của dân tộc, nhà lãnh đạo giàu nhiệt huyết, kiên định và sáng tạo.
Với cương vị là Tổng Bí thư sau Đại hội 6, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Chủ tịch nước cũng đã tới dâng hưởng tại Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến (Khoái Châu), tỉnh Hưng Yên.
Tết đến xuân về tưởng nhớ các bậc tiên liệt của dân tộc, Chủ tịch nước đã đến dâng hương tại Đền thờ Triệu Quang Phục, hiệu Triệu Việt Vương, vị vua trị vì từ năm 548 đến năm 571. Người có công kế tục vua Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ vững nền độc lập cho nước Vạn Xuân và dâng hương tại Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nơi thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn một nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất, và còn là nhà văn nổi tiếng thời Trần.
Chiến công 2 lần đánh bại quân Nguyên vào năm 1285 và 1287 đưa ông vào hàng đại danh nhân của lịch sử Việt Nam. Ông được coi hiển thánh và thờ ở nhiều nơi trên cả nước.
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, Chủ tịch nước khẳng định công đức dựng nước và giữ nước của các bậc tiên liệt, anh hùng của dân tộc sẽ mãi mãi được ghi trong sử sách và trong lòng các thế hệ người Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chuyến thăm Hưng Yên, Hà Nam, Chủ tịch nước đã tới dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến người được biết đến là tác giả lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc cùng tinh thần bất khuất, kiên trung đã hy sinh vì Tổ quốc.
Ông sinh ngày 5/3/1901 tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tham gia cách mạng từ năm 1927 đến năm 1931 ông bị bắt trải qua các nhà tù Sơn La, Côn Đảo năm 1935 ông cùng một số tù chính trị khác vượt ngục, trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng tại Nam Bộ, Chính trong thời gian này, ông được Xứ ủy Nam Kỳ trao nhiệm vụ vẽ cờ hiệu để sử dụng trong các cuộc đấu tranh.
Ông đã vẽ lá cờ có nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh, thể hiện ý tưởng máu đỏ da vàng, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sỹ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam Kỳ nhất trí và đã xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 và được chọn là cờ của Tổ quốc.
Tuy nhiên, ông không kịp nhìn thấy lá cờ của mình tung bay. Tháng 8/1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam và bị xử bắn vào ngày 28/8/1941.
Việc khánh thành nhà tưởng niệm và trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Hữu Tiến thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta và đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ cho giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay./.