Chủ tịch nước thăm, kiểm tra công tác khắc phục bão ở Quảng Ninh
VOV.VN-Chủ tịch nước đề nghị trước mắt cần sớm khắc phục thiệt hại, hỗ trợ cho bà con nhân dân, công nhân bị thiên tai
Hôm nay (4/8), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm bà con nhân dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai ổn định đời sống và sản xuất tại Quảng Ninh.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 25/7 - 3/8 là trận mưa lịch sử có lượng mưa lớn nhất trong 40 năm qua. Có nơi như phường Cửa Ông, Thành phố Cẩm Phả lên tới 1.400mm, phổ biến là từ 800 - 1.200mm.
Do cường độ mưa lớn và kéo dài đã gây ngập lụt tại các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô; giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Nhiều khu dân cư ngập sâu từ 1-2 m. Đặc biệt, xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn, có 1 làng gồm 27 hộ ngập sâu từ 11-12m, toàn bộ hệ thống giao thông kéo dài 7km bị phá hủy hoàn toàn.
Trong các ngày 1 và 2/8, mưa to tiếp tục gây lũ lớn tại các huyện miền Đông gây chia cắt và cô lập hoàn toàn một số thị trấn và xã vùng cao của Ba Chẽ, Tràng Lương, thị xã Đông Triều, Vàng Danh, Phương Nam, Yên Thanh, Thành phố Uông Bí.
Chủ tịch nước trò chuyện với dân. |
Tính đến sáng nay, đã có 17 người chết, 30 người bị thương; 339 nhà sập đổ sập hoàn toàn; Gần 9.000 nhà ngập lụt; thiệt hại khoảng 4.000 ha hoa màu và 1200 ha nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ các khai trường trong các mỏ lộ thiên đều bị ngập; các đường công vị, khai trường bị sạ lở nhiều. Một số mỏ hầm lò bị ngập, tê liệt sản xuất, trong đó thiệt hại lớn nhất là mỏ Mông Dương, Quang Hanh. Ước thiệt hại trên địa bàn Quảng Ninh đến thời điểm này khoảng trên 2.700 tỷ đồng, riêng ngành than là 1.200 tỷ đồng.
Chiều nay, Chủ tịch nước đã trực tiếp tới kiểm tra tại Công ty than Mông Dương, một trong doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất do ngập nước hầu hết các mỏ ở tầng sâu đến âm 250m, nhà máy ngập sâu trong bùn, ước tính lên tới 500 tỷ đồng.
Hiện với sự trợ giúp của Tập đoàn than khoáng sản, của tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị bạn, công ty đang cố gắng giữ mực nước ở mức âm 97,5m, tăng cường máy bơm công suất lớn để bơm hút nước đến đâu khắc phục đến đó, dự kiến cũng phải mất 4 tháng mới có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn, do đó 50% công nhân phải tạm nghỉ việc.
Chủ tịch nước tặng quà cho các hộ gia đình. |
Tại Mông Dương, Chủ tịch nước cũng đã tới thăm động viên hàng chục hộ gia đình bị thiệt hại hoàn toàn về nhà cửa đang phải tạm trú tại Bệnh xá phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, Trao đổi với bà con, Chủ tịch nước cho biết, công ty và lãnh đạo địa phương sẽ sát cánh hỗ trợ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn sau lũ.
Trước đó, Chủ tịch nước cũng đã tới thăm anh Cao Tiến Vĩ - người sống sót duy nhất trong gia đình có 9 người bị vùi lấp trong đợt mưa lũ. Chủ tịch nước cũng động viên, tặng quà các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Quảng Ninh.
Chủ tịch nước thăm anh Cao Tiến Vĩ. |
Chia sẻ với những thiệt hại về người và tài sản của tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền địa phương tập trung thực hiện khẩn trương những công việc khắc phục hậu quả; đảm bảo sớm bình ổn cuộc sống và duy trì sản xuất. Hoan nghênh lãnh đạo tỉnh đã di dời đến nơi an toàn hàng nghìn hộ dân; nhanh chóng khắc phục các sự cố về giao thông, cấp nước sinh hoạt, điện lưới... cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân chịu thiệt hại và đánh giá cao các Bộ ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã kịp thời ủng hộ, hỗ trợ người dân vùng lũ trong những lúc khó khăn.
Nhấn mạnh những tác hại của thiên tai ngày càng phức tạp và khắc nghiệt, Chủ tịch nước cho rằng qua đợt lũ lụt vừa qua, đã bộc lộ những nhược điểm trong công tác phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước đề nghị trước mắt cần sớm khắc phục thiệt hại, hỗ trợ cho bà con nhân dân, công nhân, nhưng điều quan trọng nhất tiếp theo là phải rút kinh nghiệm, khảo sát hiện trạng để có quy hoạch phù hợp không bị động trước tác động của biến đổi khí hậu.
“Chúng ta làm quy hoạch, làm kế hoạch phải hết sức căn cơ, để bão lũ xảy ra tiếp thì thiệt hại xảy ra ít mà không bị động khi đối phó. Phải lo nơi ăn chốn ở ổn định, theo đó vùng nông thôn, miền núi phải di dời dân ra nơi an toàn, đối với đô thị bị ngập nặng nhất là do chênh lệch cốt đô thị và biển rất xa nước không thoát ra biển, như vậy phải có tính toán quy hoạch hệ thống thoát nước từ đất liền ra biển phải đảm bảo thông suốt, để không xảy ra ngập úng tại đô thị”, Chủ tịch nước nói.
Đối với sản xuất kinh doanh của ngành than, Chủ tịch nước nhấn mạnh ngành than có vị trí quan trọng, trong đầu tư khai thác cần tính toán chủ động đối với tác động của biến đổi khí hậu, phải xây dựng các công trình bảo vệ sản xuất, đặc biệt là quy hoạch các bãi xỉ than, không thể khai thác kiểu chắp vá, không chủ động trong đối phó với thiên tai.
Thống nhất với các kiến nghị và giải pháp mà tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đề ra, Chủ tịch nước cho rằng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương di đời các hộ dân tại các nơi nguy hiểm về nơi an toàn, đầu tư phát triển kinh tế hài hòa với môi trường, dù có khó khăn cũng phải làm khẩn trương, không thể biết mà không làm là không thể chấp nhận được. Chủ tịch nước yêu cầu giao trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân, tập thể để sớm có giải pháp căn cơ ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra./.