Chủ tịch nước thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận
VOV.VN - Làm thế nào để giải bài toán thiếu nước sản xuất là vấn đề được Chủ tịch nước hết sức quan tâm khi trực tiếp đi khảo sát tại Ninh Thuận.
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Nam Trung bộ, chiều qua và hôm nay (18/3), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận về tình hình phát triển kinh tế xã hội và đảm vảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và là địa phương ít mưa nhất cả nước nên nơi đây thường xuyên phải chịu cảnh nắng hạn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của nhân dân. Đặc biệt những tháng đầu năm 2015, nắng hạn kéo dài, diễn ra trên diện rộng, tỉnh đã phải dừng không sản xuất hơn 6.100 ha lúa và hoa màu. Làm thế nào để giải bài toán thiếu nước sản xuất là vấn đề được Chủ tịch nước hết sức quan tâm.
Giải pháp trước mắt tỉnh đã điều tiết nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trung ương đã có chủ trương hỗ trợ 40 tỷ đồng, 30 tấn ngô giống và 300 tấn gạo, nhưng theo Chủ tịch nước giải pháp lâu dài và căn cơ phải chủ động phương án chống hạn. Tỉnh và các bộ ngành phối hợp đẩy nhanh dự án xây dựng hồ chứa nước Tân Mỹ lớn gấp 20 lần các hồ hiện có đang khó khăn về vốn.
Chủ tịch nước lưu ý, có thể sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư, cùng với đó là thay đổi phương thức sử dụng nước gắn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để ổn định cuộc sống cho người dân.
Vấn đề khó khăn tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67 để cải hoán, đóng tàu chuyển đổi sản xuất cũng được bà con ngư dân nêu lên trong cuộc trao đổi với Chủ tịch nước tại cảng cá Ninh Chữ, huyện Ninh Hải.
Bà con vui mừng khi có chủ trương cho vay vốn nhưng cái khó là thủ tục, hồ sơ, phương án mẫu tàu… Trình độ bà con không nắm rõ, cộng với lãi suất còn cao, vốn đối ứng và thế chấp khó khăn nên số bà con có thể vay vốn hoán cải, đóng mới tàu công suất lớn còn rất thấp. Bà con cũng mong muốn được đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng cá để đáp ứng di chuyển, neo đậu của tàu cá, nhất là đối với tàu có công suất lớn khai thác xa bờ.
Lắng nghe báo cáo của tỉnh và các ý kiến đóng góp của các bộ ngành về tình hình phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch nước cho rằng từ tỉnh rất khó khăn, nhưng những năm gần đây Ninh Thuận đã có nhiều thay đổi, tốc độ tăng trưởng 5 năm đạt hơn 11%, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng/người rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh trong khu vực; nông lâm thủy sản, dịch vụ du lịch tăng nhanh, chương trình nông thôn mới có nhiều kết quả đã đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,84%, cùng với đó là công tác xây dựng đảng, an ninh quốc phòng đảm bảo là kết quả tích cực.
Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận một số chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đại hội đề ra, tiềm năng lợi thế chậm được khai thác. Ninh Thuận chưa giải được bài toán thiếu nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng thì phải chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch lại khu vực sử dụng đất, nước, đẩy nhanh xây dựng công trình thủy lợi để làm chủ nguồn nước cho cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng là giải pháp cấp bách.
Cơ bản nhất trí phương hướng nhiệm vụ của tỉnh trong năm 2015, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là năm cuối của nhiệm kỳ và cũng là năm chuẩn bị hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực từ 1/1/2016, do đó tỉnh nỗ lực tối đa hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời tính toán, rà soát lại sản phẩm có khả năng cạnh tranh tránh thua ngay trên sân nhà.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút các nhà đầu tư khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Năm 2015, cũng là năm đại hội Đảng các cấp, Ninh Thuận cần chuẩn bị tốt nội dung và nhân sự, đồng thời dành thời gian thỏa đáng thảo luận, đóng góp xác đáng vào dự thảo báo cáo chính trị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Ôn lại truyền thống anh hùng của sư đoàn đã đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Chủ tịch nước mong cán bộ, chiến sĩ trung đoàn tiếp tục phát huy truyền thống dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; đồng thời khắc phục khó khăn, vươn lên làm chủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, huấn luyện đào tạo đội ngũ phi công có phẩm chất vững vàng, trình độ chuyên môn tốt đáp ứng nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.