Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh
VOV.VN - Chủ tịch nước mong muốn mỗi cử tri tích cực giám sát, đóng góp ý kiến phê phán những việc chưa làm được, kịp thời phản ánh tiêu cực
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 14/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3.
Cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) cho rằng việc sửa đổi, ban hành là hết sức quan trọng nhưng phải đồng bộ, khắc phục tình trạng văn bản quy định hướng dẫn của cả trung ương và địa phương nhiều khi lại xiết chặt, thậm chí trái luật làm ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp.
Cử tri Nguyễn Công Cẩn (phường 3, quận 3) đề nghị Quốc hội cần chú trọng nâng cao chất lượng làm luật để Luật có tính khả thi trong cuộc sống. "Phải làm rõ trách nhiệm của người làm luật từ dự thảo, phải có người chịu trách nhiệm, không để tình trạng khi luật vào cuộc sống có bất cập xảy ra...", ông Cẩn nói.
Cử tri Nguyễn Văn Cường (phường Tân Định, quận 1) kiến nghị: "Đại biểu Quốc hội phải dũng cảm trong các phiên chất vấn, không né tránh. Đại biểu Quốc hội thấy bộ trưởng nào có trách nhiệm cần phải nói thẳng. Tôi thường thấy đại biểu Quốc hội khi chất vấn thường dùng các cụm từ “băn khoăn”, “theo đồng chí trách nhiệm thuộc về ai?”, như vậy là né tránh, cần phải có tính đấu tranh trong Quốc hội".
Đặt câu hỏi với các đại biểu về bất cập trong phát triển kinh tế, cử tri Trần Văn Tuấn (phường Bến Nghé) cho rằng việc để thị trường tự điều tiết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, bà con nông dân luôn trong tình trạng được mùa mất giá, ép giá. Việc không thu hút được các nhà khoa học vào khâu nghiên cứu ứng dụng sản xuất chính là nguyên nhân làm giảm cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Các cử tri cũng đề nghị Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về thực thi chiến lược kinh tế biển về tình hình Biển Đông và công tác bảo vệ chủ quyền, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam...
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao phát biểu tâm huyết của cử tri nhất là sự quan tâm công tác nâng cao chất lượng làm luật. Chủ tịch nước cho rằng Hiến pháp đã có hiệu lực từ 1/1/2014 đòi hỏi phải thể chế kịp thời các luật. Đây là sức ép lớn đối với Quốc hội, vừa đảm bảo thời gian, vừa đảm bảo chất lượng của các dự án luật.
Trao đổi với cử tri về tình hình phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch nước nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đang quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là chương trình chiến lược phải làm trong dài hạn không thể làm trong một, hai năm. Với bước đi thích hợp, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu. Trước hết là hoàn thiện thể chế được Quốc hội đặc biệt quan tâm xây dựng, ngay tại kỳ họp này cũng có tới 17 dự luật thông qua, có nhiều dự luật sẽ có tác động thúc đẩy đến sự phát triển của nền kinh tế. Về đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng đang đẩy mạnh. Về kết cấu hạ tầng là thách thức, trước đòi hỏi xây dựng cơ cấu hạ tầng đồng bộ thì vấn đề nợ công cũng tạo áp lực ghê gớm, cần phải có tính toán căn cơ trong đầu tư công.
Đối với vấn đề phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước khẳng định đây luôn là nhiệm vụ được coi trọng đặc biệt, tuy nhiên những kết quả đạt được chưa đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri cũng như yêu cầu đặt ra.
Thừa nhận việc cán bộ các cấp đi nước ngoài quá nhiều, Chủ tịch nước cho rằng cần phải khắc phục ngay trong bối cảnh bội chi hơn 5% chi phí đó rất xót xa, chỉ hoạt động hết sức cần thiết mới được đi nhằm sử dụng đồng tiền của dân có giá trị hiệu quả.
Ghi nhận những kiến nghị, Chủ tịch nước mong rằng mỗi cử tri nên tích cực giám sát, đóng góp ý kiến phê phán những việc chưa làm được, kịp thời phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tới các cơ quan chức năng. Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuyển tới Quốc hội và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh giải quyết trong thời gian tới./.